Thế giới tuần qua: Nga và Mỹ thống nhất thỏa thuận ngừng bắn ở Syria

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - CHDCND Triều Tiên phóng tiếp tên lửa đạn đạo; Tổng thống Mỹ và Nga đã thống nhất sẽ ngừng bắn tại Tây Nam Syria từ ngày 9/7 tới... là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Tổng thống Nga, Mỹ thống nhất thỏa thuận ngừng bắn ở Syria
Theo Ngoại trưởng Rex Tillerson, thành công lớn nhất có được sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump hôm 7/7 tại Đức chính là việc Mỹ và Nga đã thống nhất sẽ ngừng bắn tại Tây Nam Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên lâu hơn dự kiến bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển và các quốc gia mới nổi (G20) diễn ra tại TP Hamburg, Đức ngày 7/7.
 Tổng thống Nga và Mỹ đã dành cho nhau cái bắt tay rất mạnh mẽ. Ảnh: Reuter
Trong cuộc hội đàm kéo dài trong hơn 2 giờ, lãnh đạo hai nước đã thảo luận rất nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào giải pháp tháo gỡ bế tắc cho cuộc chiến tại Syria cũng như về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.
Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đã được thông báo sau cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Đây là dấu hiệu tích cực cho khả năng hai nước này sẽ hợp tác với nhau nhiều hơn nữa để giải quyết cuộc nội chiến tại Syria.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Tây Nam Syria vốn là một khu vực rất phức tạp trên chiến trường Syria và ảnh hưởng đến an ninh của Jordan.
“Tôi cho rằng đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Mỹ và Nga có thể làm việc cùng nhau ở Syria. Và kết quả là chúng tôi đã có cuộc thảo luận rất dài liên quan đến các khu vực khác ở quốc gia Trung Đông này mà chúng tôi có thể tiếp tục cùng nhau làm việc để giảm căng thẳng tại những vùng đất đó”, ông Tillerson nói thêm.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã xác nhận thông tin nói trên, lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu từ ngày 9/7 tại các tỉnh Tây Nam Syria gồm Daraa, Quneitra và As-Suwayda.
Theo ông Lavrov, để đảm bảo lệnh ngừng bắn tại Tây Nam Syria và thiết lập vùng giảm căng thẳng, Nga, Jordan và Mỹ có nghĩa vụ điều quân cảnh tới và phối hợp duy trì an ninh.
Triều Tiên vừa phóng tiếp tên lửa đạn đạo
CHDCND Triều Tiên đã thực hiện vụ thử tên lửa đạn đạo sáng thứ 3 (ngày 4/7), Tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc cho biết.
Một vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Vụ thử tên lửa mới nhất được giới chức quân sự Hàn Quốc cho biết, hướng về vùng biển phía Đông của Triều Tiên.
Cơ quan chức năng của Seoul và Washington vẫn đang phân tích động thái mới nhất của Bình Nhưỡng, hãng tin Yonhap cho hay.
Đây là động thái mới nhất trong một loạt thử nghiệm công nghệ tên lửa được Triều Tiên tiến hành trong năm nay. Hồi tháng trước, Bình Nhưỡng đã thử 4 tên lửa chống hạm. Ngày 14/5, một tên lửa đạn đạo của nước này đã bay được khoảng 700km trong thời gian 30 phút trước khi rơi xuống biển.
Trong tháng 4, Triều Tiên cũng đã tiến hành 3 vụ thử công nghệ đạn đạo, vi phạm nghị quyết của Liên Hợp quốc.
Trong khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa tầm ngắn và tầm trung, các chuyên gia cho rằng, quốc gia này vẫn chưa làm chủ được công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể vươn tới Mỹ hay công nghệ trang bị đầu đạn hạt nhân.
Vụ thử tên lửa xảy ra chỉ vài ngày sau khi tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng và nhất trí gia tăng sức ép để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi. 
Các nước G20 cam kết ngăn chặn tài trợ khủng bố
Trong phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 7/7 tại TP Hamburg (Đức), các nước đã ra tuyên bố chung nhất trí thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn tài trợ khủng bố.
Tuyên bố chung của các nước G20 lên án mạnh mẽ việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cam kết hành động để ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức trái pháp luật.
 Tại hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP
Một trong những giải pháp được nêu ra là hỗ trợ hệ thống tài chính quốc tế chống lại việc tài trợ cho khủng bố, tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin về lĩnh vực này.
Các nước G20 cũng hối thúc các nước ủng hộ Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), một tổ chức quốc tế được thành lập năm 1989, gồm 37 quốc gia thành viên, trong việc ngăn chặn hiệu quả các nguồn tài trợ cho khủng bố.
Theo các nhà phân tích chính trị quốc tế, tuyên bố chung về ngăn chặn tài trợ khủng bố là sự đồng thuận hiếm hoi đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, trong bối cảnh Mỹ và các nước ngày càng chia rẽ về các vấn đề như thương mại tự do và chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị cấp cao G20 năm nay cũng được đánh giá là một trong những hội nghị "bão táp" nhất trong lịch sử. 
Ả Rập Saudi và đồng minh lùi hạn chót cho Qatar
Các nước vùng Vịnh quyết định kéo dài hạn chót 48 giờ đối với Qatar để chấp nhận yêu sách 13 điều hoặc sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt khác.
Thời hạn ban đầu mà các nước vùng Vịnh đặt ra cho Qatar là ngày 2/7. Vào ngày 23/6, Ả Rập Saudi, Ai Cập, UAE và Bahrain đã đặt ra thời hạn 10 ngày để Qatar chấp nhận các yêu cầu, trong đó có việc đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và chấm dứt kênh truyền hình Al Jazeera.
Tại thủ đô Doha, Qatar.
Đại diện Qatar cho biết sẽ đệ trình phản ứng chính thức của mình trong bức thư gửi đến Kuwait vào ngày 3/7. Bộ trưởng Ngoại giao nước này sẽ tới Kuwait - quốc gia trung gian trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh - vào sáng 3/7.
Trước đó, hôm 1/7, Bộ trưởng Ngoại giao Qatari Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani cho biết, nước này bác bỏ các yêu sách nhưng sẵn sàng tham gia vào cuộc đối thoại với những điều kiện thích hợp.
Qatar đã phải nhận các lệnh trừng phạt ngoại giao và kinh tế trong nhiều tuần từ Ả Rập Saudi cùng đồng minh Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain do cáo buộc liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, Doha bác bỏ các cáo buộc.
Các lệnh trừng phạt áp đặt lên Doha đã gây ra sự hỗn loạn cho quốc gia dầu mỏ nhưng phụ thuộc vào nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu từ các nước láng giềng. Ira và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức tăng cường tiếp tế thực phẩm và các mặt hàng khác cho Qatar.

Valid: True