Phản ứng của EU và Iran như thế nào sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
Sau tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng quyết định này là vi phạm các thỏa thuận quốc tế, trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng phản đối và cho biết sẽ tiếp tục theo thỏa thuận này.
Trong bài phát biểu ngày 8/5 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Tổng thống Mỹ đã ủng hộ những lập luận gần đây của Israel về Iran khi đưa ra quyết định trên. Tổng thống Trump cho biết ông sẽ bắt đầu thực hiện "mức cao nhất" của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran.
Theo ông Trump, thỏa thuận trên còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) bị khiếm khuyết ngay từ bên trong. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã nhiều lần gọi thỏa thuận này là văn kiện "nguy hiểm," không ngăn chặn được mà chỉ trì hoãn khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán một thỏa thuận khác, nhưng không rõ các nước châu Âu có ủng hộ và liệu họ có thể thuyết phục Iran chấp nhận.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ quyết định rút Washington khỏi thoả thuận hạt nhân, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có bài phát biểu mạnh mẽ trên truyền hình, khẳng định Tehran luôn tuân thủ văn kiện và sẽ tiếp tục theo đuổi thoả thuận.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là bất hợp pháp, không chính đáng và vi phạm các thỏa thuận quốc tế.
Tổng thống Rouhani nói rằng Iran luôn tuân thủ theo thỏa thuận hạt nhân và sẽ tiếp tục theo thỏa thuận này mặc dù Mỹ đã rút khỏi.
Sau tuyên bố của ông Trump, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng phản đối và cho biết sẽ tiếp tục theo thỏa thuận này. Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Anh, Đức và Pháp cho rằng quyết định của ông Trump là nguyên nhân của “sự nuối tiếc và lo ngại”
Theo thỏa thuận hạt nhân Iran, các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran được dỡ bỏ để đổi lấy việc Iran kiềm chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận trên mặc dù một số lần Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định sự tuân thủ của Tehran đối với thỏa thuận này.
Quyết định của chính quyền Tổng thống Trump tái áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran gia tăng lo ngại cho các công ty châu Âu đang kinh doanh tại Iranvà một số doanh nghiệp Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng từ việc trừng phạt này.
Ông Putin nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/5 đã nhậm chức nhiệm kỳ 4 trong buổi lễ được tổ chức long trọng tại Điện Kremlin, Moscow.
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Putin đã ký và ban hành sắc lệnh nêu rõ những mục tiêu phát triển quốc gia đến năm 2024, trong đó có mục tiêu đưa nước Nga lọt top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế trên mức trung bình của thế giới, trong khi vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát không quá 4%...
Ông Putin bước vào nhiệm kỳ mới với sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Nga. Trong cuộc bầu cử ngày 18/3, ông Putin giành chiến thắng áp đảo khi nhận được 76,65% số phiếu ủng hộ, thể hiện mức độ tin tưởng gần như tuyệt đối của người dân vào nhà lãnh đạo sau gần 20 năm.
Trên cương vị lãnh đạo nước Nga, Tổng thống Putin sẽ phải giải quyết các vấn đề kinh tế như thiếu hụt nguồn nhân lực, gánh nặng lương hưu, đa dạng hóa nền kinh tế, đổi mới nền công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Putin cũng sẽ phải chèo lái con thuyền nước Nga thoát khỏi bao vây cô lập quốc tế sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Singapore xác nhận đăng cai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều
Bộ Ngoại giao Singapore đã xác nhận nước này sẽ là chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6 tới.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Singapore nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng cuộc gặp sẽ thúc đẩy triển vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Singapore hân hạnh được tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 12/6/2018".
Bộ Ngoại giao Singapore đã xác nhận nước này sẽ là chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều. |
Trả lời dòng tweet của ông Trump ngày 11/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh, hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên sắp tới là một "bước tiến đáng kể trên con đường dẫn đến hòa bình". "Cuộc đối thoại này có thể dẫn đến một kết quả thành công", ông nói thêm.
Địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã là đề tài thu hút sự chú ý kể từ khi hai nước xác nhận tiến hành cuộc gặp. Theo các chuyên gia, Singapore, một trung tâm tài chính của Đông Nam Á, được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp quan trọng này do nước này được xem là trung lập trong vấn đề liên quan bán đảo Triều Tiên, mức độ an ninh cao và thường xuyên tổ chức các hội nghị thượng định quốc tế.
Nhà Trắng ngày 11/5 cũng xác nhận, Singapore được chọn làm địa điểm đăng cai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều bởi tính trung lập và nước này có thể đảm bảo an ninh cho Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim.
Tân Thủ tướng Malaysia trở thành nguyên thủ cao tuổi nhất thế giới
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trở thành thủ tướng già nhất thế giới sau khi đánh bại ông Najib Razak trong cuộc bầu cử quyết liệt hôm 9/5, đặt dấu chấm hết cho liên minh cầm quyền lâu nhất thế giới trong 6 thập kỷ.
Với kết quả được công bố ngay rạng sáng 10/5, dù số phiếu chưa được kiểm hết nhưng Liên minh Hy vọng (Pakatan Harapan) của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã giành đủ 113 ghế tại Hạ viện đủ để lập thế đa số trong tổng số 222 ghế tại Quốc hội, có quyền thành lập chính phủ mới.
Khối của ông Mahathir - liên minh 4 đảng bao gồm các nhân vật đối lập kỳ cựu từng đối đầu với ông Mahathir trong thời gian ông làm Thủ tướng từ năm 1981 cho đến 2003 giành chiến thắng tại các bang Johor, Melaka, Selangor, Negeri Sembilan, Perak, Kedah và Penang. Trước cuộc tuyển cử, Pakatan Harapan chỉ kiểm soát hai bang là Selangor và Penang.
Kết quả này đánh dấu kết thúc 61 năm cầm quyền của Liên minh Quốc gia Barisan Nasional (BN) - liên minh chính trị có thời gian cầm quyền lâu nhất thế giới.
Ngay sau khi kết quả được Uỷ ban Bầu cử Malaysia xác nhận, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tổ chức họp báo và tuyên bố thắng lợi. Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, một số nhóm ủng hộ liên minh Hy vọng đã đổ ra đường phố thủ đô Kuala Lumpur để ăn mừng.
Trong một cuộc họp báo vào lúc 3h sáng ngày 10/5, ông Mahathir nói ông "sẽ không trả thù" Thủ tướng Najib. Tuy nhiên, ông nói "Điều tôi muốn làm là khôi phục lại pháp trị".
Ông Mahathir Mohamad hy vọng, chính phủ mới có thể được thành lập ngay trong ngày 10/5 và Thủ tướng có thể làm lễ tuyên thệ cùng ngày.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Malaysia kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1957, một liên minh đối lập mới giành chiến thắng trong bầu cử.
Liên minh cầm quyền Mặt trận quốc gia của Thủ tướng Najib chỉ giành được gần 80 ghế, kém xa con số của họ ở kỳ bầu cử lần trước.
Trong khi đó, Đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) chỉ giành được 18 ghế, thấp hơn nhiều so với mục tiêu giành tới 40 ghế của họ.
Chiến thắng của Liên minh Hy vọng do chính trị gia 92 tuổi Mahathir đứng đầu cũng đánh dấu kết thúc hơn 60 năm cầm quyền của liên minh Mặt trận quốc gia.
Trước đây, ông Mahathir cũng là người gắn bó thời gian dài với Liên minh cầm quyền Mặt trận quốc gia trước khi bất ngờ quay trở lại chính trường với tư cách người đứng đầu liên minh đối lập.
Trong khi đó, lãnh đạo Liên minh Mặt trận quốc gia Najib Rajak đã huỷ bỏ cuộc họp báo dự định được tổ chức vào 10/5 và ông cho biết sẽ đưa ra tuyên bố của mình vào ngày 11/5 tới. Phía lãnh đạo của BN cũng không đưa ra bất kỳ bình luận nào với thất bại của mình.