Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Thảm họa vỡ đập thủy điện tại Lào khiến hơn 100 người mất tích

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vỡ đập thủy điện ở Lào làm hàng trăm người mất tích và vụ cháy rừng nghiêm trọng ở Hy Lạp là những sự kiện thế giới nổi bật nhất trong tuần.

Lào công bố nguyên nhân gây ra vụ vỡ đập thủy điện
Vụ vỡ đập xảy ra hồi 20 giờ ngày 23/7, tại đập phụ D, một trong 5 con đập thuộc công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, xả một khối lượng nước khổng lồ xuống hạ lưu, gây ngập trên diện rộng, ảnh hưởng tới hơn 6.000 người.
Hiện nước lũ đã rút dần và người dân vùng bị ảnh hưởng đang nỗ lực khắc phục thiệt hại. Bùn đất bám đặc quánh khắp nơi, xác gia súc nổi trên mặt nước đục ngầu. Với những nỗ lực cứu trợ đang diễn ra, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết đây là thảm họa tồi tệ nhất mà quốc gia Đông Nam Á này phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.
Hiện nước lũ đã rút dần và người dân vùng bị ảnh hưởng đang nỗ lực khắc phục thiệt hại. 
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ cho biết, vụ vỡ đập thủy điện tại Lào gây ra lũ lụt và tàn phá lớn là do công trình xây dựng không đạt tiêu chuẩn.
Theo Thông tấn xã Lào, Bộ trưởng Khammany Inthirath nói với các phóng viên tại cuộc họp báo rằng con đập "không hoạt động tốt" sau khi một lượng mưa lớn đổ xuống miền Nam Lào, khiến mực nước tăng nhanh.
Đề cập cụ thể đến các công ty đã xây dựng con đập, ông Inthirath cho biết: "Họ sẽ không có quyền từ chối trách nhiệm của mình đối với vụ việc."
Trong một tuyên bố với CNN, Công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, một trong 3 công ty xây dựng dự án đập thủy điện cho biết, còn quá sớm để nói điều gì đã gây ra tai nạn.
"Chúng tôi đang tập trung vào các nỗ lực cứu trợ. Nguyên nhân của vụ tai nạn sẽ được điều tra”, đại diện công ty cho biết.
Đã gần một tuần kể từ khi Đập Xepian Xe Nam Noy sụp đổ, nhấn chìm nhiều ngôi làng và thị trấn ở hạ lưu với hơn 5 tỷ mét khối nước. Các con đường bị phá hủy, những ngôi nhà bị bị cuốn trôi và nhiều người thiệt mạng khi sóng nước khổng lồ quét qua tỉnh Attapeu vào tối thứ Hai.
Tính đến chiều 17/7, số người thiệt mạng là 26 người, ít nhất 131 người khác vẫn mất tích. Trong số những người sống sót, 6.000 người đã mất nhà cửa.
Bộ trưởng Năng lượng và Nước Inthirath nói chính phủ Lào đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm đặc biệt với nhiều công ty tham gia vào việc xây dựng đập, giữa các bên khác, "để tìm kiếm nguyên nhân gây ra sự cố đập"
Cháy rừng nghiêm trọng ở Hy Lạp khiến 87 người thiệt mạng
Giới chức Hy Lạp cho biết, số người chết trong vụ cháy rừng ở Mati - địa điểm nổi tiếng của Hy Lạp, đã lên tới 87 người.
Theo số liệu mới nhất của chính quyền Hy Lạp, số người chết trong vụ cháy rừng ở Mati - địa điểm nổi tiếng của Hy Lạp, đã lên tới 87 người, khi hôm qua (27/7) thêm 1 trường hợp bị bỏng nặng đã tử vong. Thảm họa này được coi là tồi tệ nhất tại Hy Lạp trong hơn 10 năm trở lại đây.

Rất nhiều ô tô bị thiêu rụi trong vụ cháy nghiêm trọng nhất tại Hy Lạp trong hơn 10 năm qua.
Chính phủ Hy Lạp nhận định rằng, vụ cháy có thể là hành động phá rừng của những kẻ tội phạm. Hiện, chính phủ Hy Lạp đã chuyển các chứng cứ thu thập được cho cơ quan công tố và cơ quan này sẽ tham gia vào cuộc điều tra vụ cháy rừng.
Trong số gần 200 trường hợp bị bỏng, hiện 11 người vẫn trong tình trạng chăm sóc đặc biệt. Giới chức lo ngại con số thiệt mạng trong vụ cháy này có thể sẽ còn tăng.
Đám cháy bùng phát tối 23/7 tại thị trấn Rafina, Hy Lạp, sau đó nhanh chóng lan đến khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Mati, cách thủ đô Athens 29 km về phía đông bắc. Ngọn lửa đã khiến nhiều người phải nhảy xuống biển.
Triều Tiên hồi hương hài cốt lính Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên
Ngày 27/7, Triều Tiên đã trao trả hài cốt các binh lính Mỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên theo đúng cam kết trong thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12/6 vừa qua.
Một quan chức Mỹ nói với hãng tin CNN rằng Triều Tiên sẽ trao trả 50 bộ hài cốt lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên.
Một máy bay vận tải của Không quân Mỹ sáng sớm ngày 27/7 đã bay tới Triều Tiên để nhận hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), theo các thỏa thuận đạt được trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore hồi tháng trước.
Thông báo của Nhà Trắng cho biết, sáng 27/7, máy bay vận tải C-17 của lực lượng Không quân Mỹ rời căn cứ không quân Osan ở tỉnh Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul khoảng 70km đến sân bay Kalma ở TP Wonsan, đông bắc Triều Tiên để nhận hài cốt lính Mỹ.
Một quan chức Mỹ nói với hãng tin CNN rằng Triều Tiên sẽ trao trả 50 bộ hài cốt lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên.
Khi máy bay quay về căn cứ Osan, cơ quan phụ trách tù binh chiến tranh và những người mất tích khi làm nhiệm vụ của Mỹ sẽ kiểm tra các bộ hài cốt và trong tháng tới sẽ gửi chúng về Hawaii để kiểm tra pháp y. Quá trình kiểm tra này mất tối đa 5 ngày.
Sau khi các chuyên gia pháp lý của Mỹ ở Osan tiến hành phân tích ADN sơ bộ, các bộ hài cốt sẽ được đưa tới phòng thí nghiệm quân sự Mỹ ở Hawaii để phân tích ADN tổng thể.
Phản ứng trước động thái tích cực mới nhất từ phía Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng việc Triều Tiên trao trả hài cốt lính Mỹ trong ngày hôm nay là một "thời điểm tuyệt vời cho rất nhiều gia đình", đồng thời ông cũng cảm ơn Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ Harry Harris ngày 25/7 nói rằng, việc trao trả hài cốt binh lính Mỹ sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đối thoại về hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Đây là một phần thỏa thuận mà tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đạt được trong cuộc gặp tại Singapore nhằm thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa khu vực này.
Tổng tư lệnh Lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc (USFK) tướng Vincent K. Brooks cho biết  lễ hồi hương hài cốt lính Mỹ sẽ được thực hiện vào ngày 1/8 tới.
Liên Hợp quốc đối mặt khả năng phá sản?
Tính đến ngày 30/6/2018, ngân sách lõi của Liên Hợp quốc đang thâm hụt 139 triệu USD.
Tuần này, ông Guterres gửi một lá thư đến các nước thành viên Liên Hợp quốc (LHQ), nói rằng tính đến ngày 30/6, ngân sách lõi của tổ chức này đang thâm hụt 139 triệu USD, nói thêm rằng, LHQ chưa bao giờ lâm vào tình hình dòng tiền khó khăn vào thời điểm sớm như thế này.
"Một tổ chức như tổ chức của chúng ta không nên phải đối mặt liên tục với khả năng phá sản", lá thư có đoạn viết.
Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres.
Số liệu của LHQ cho thấy trong số 193 quốc gia thành viên, đến nay đã có 112 nước hoàn thành việc đóng góp ngân sách lõi năm 2018. Nước Mỹ, quốc gia chịu trách nhiệm 22% ngân sách lõi của LHQ, thường đóng muộn hơn do lịch tài khóa của nước này.
Trong khi đó, 4 thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an là Trung Quốc, Pháp, Nga và Anh đều đã hoàn thành việc đóng ngân sách.
Ông Guterres đã bày tỏ với cấp dưới mối lo ngại về xu hướng ngân sách và cho rằng LHQ cần có các biện pháp cắt giảm chi phí.
Hồi tháng 1 năm ngoái, Đại sứ Mỹ tại LHQ đã kêu gọi cải tổ LHQ nhằm cắt giảm chi tiêu.
"Sự thiếu hiệu quả và chi tiêu quá tay của Liên hiệp quốc là điều mà ai cũng biết. Chúng tôi không thể để sự hào phóng của người Mỹ bị lợi dụng hay tiếp tục không được kiểm soát nữa", vị đại sứ Mỹ nói vào tháng 12/2017.
Theo quy định của Liên hiệp quốc, nếu một quốc gia nợ ngân sách bằng hoặc vượt quá đóng góp ngân sách của 2 năm trước, nước đó sẽ mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng trừ phi chứng minh được rằng việc đóng góp ngân sách nằm ngoài khả năng.
Hiện nay, có các nước Comoros, Guinnea Bissau, Sao Tome và Principle, và Somalia là những quốc gia đang nợ nhiều ngân sách Liên hiệp quốc, nhưng vẫn được giữ quyền bỏ phiếu. Duy chỉ có Libya là mất quyền bỏ phiếu do nợ ngân sách.