Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất; sắc lệnh nhập cư mới của ông Trump tiếp tục gặp rào cản… là những sự kiện nóng tuần qua.

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất

Người dân vui mừng khi bà Park Geun-hye bị phế truất.

Đúng 11 giờ, ngày 10/3 (giờ địa phương), quyền Chánh án Lee Jung-mi của Tòa án Hiến pháp đã chính thức ra phán quyết giữ nguyên quyết định luận tội Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye của Quốc hội. Điều này đồng nghĩa với việc bà Park đã bị phế truất.

Như vậy, bà Park Geun Hye đã trở thành Tổng thống đầu tiên được bầu theo quy chế dân chủ ở Hàn Quốc bị buộc phải rời cương vị. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, trong vòng 60 ngày kể từ sau phán quyết này, Hàn Quốc sẽ tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống mới. Cũng sau phán quyết của Tòa, bà Park sẽ buộc phải rời khỏi Nhà Xanh, bị tước quyền miễn trừ của Tổng thống và có thể bị truy tố. Nếu không bị luận tội, bà sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vào tháng 2/2018.

Nhà lãnh đạo Park Geun-hye bị cáo buộc đã để cho người bạn thân là bà Choi Soon-sil can thiệp vào công việc của nhà nước dù không có chức danh chính thức nào trong chính phủ và cấu kết với người này để trục lợi hàng triệu USD từ nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong đó có Samsung. Bà Park cũng bị buộc tội lơ là trách nhiệm trong vụ chìm phà Sewol năm 2014 làm hơn 300 người thiệt mạng.

Sắc lệnh nhập cư mới của ông Trump lại gặp rào cản

Sắc lệnh nhập cư mới của ông Trump tiếp tục gặp rào cản.

Sau Hawaii đến lượt New York, Washington, Oregon, Massachusetts và Minnesota đâm đơn kiện sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống Donald Trump. Tân Tổng thống Mỹ ngày 6/3 đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp sửa đổi, quy định cấm nhập cảnh tạm thời trong 90 ngày với công dân đến từ 6 quốc gia có phần lớn người dân theo đạo Hồi và cấm trong 120 ngày với tất cả những người tị nạn.

Tuy nhiên, bang New York cho rằng sắc lệnh mới dù đã sửa đổi vẫn là một lệnh cấm với người Hồi giáo. Trong khi đó, bang Washington khẳng định lệnh cấm này gây tổn hại cho họ. Bang Massachusetts sau đó cũng đã lên tiếng phản đối sắc lệnh cùng New York và Washington.

Có thông tin hai bang Minnesota và Oregon cũng đang nộp đơn khởi kiện yêu cầu ngăn chặn lệnh cấm nhập cảnh tạm thời sẽ có hiệu lực từ ngày 16/3. Trước đó, hôm 8/3 vừa qua, bang Hawaii cũng đã đâm đơn kiện sắc lệnh nhập cư mới ra tòa án liên bang ở Honolulu. Theo lập luận của bang này, sắc lệnh nhập cư mới sẽ làm ảnh hưởng đến dân số Hồi giáo, du lịch và sinh viên nước ngoài tại địa phương này. Tuy nhiên trước những phản đối lần này, Nhà Trắng cho biết “rất tự tin” sẽ chiến thắng trước tòa.

Báo cáo cuối cùng vụ máy bay MH370 sẽ công bố đầu năm 2018

Vụ máy bay MH370 bị mất tích hồi năm 2014 vẫn còn là một bí ẩn.

Ngày 8/3, Malaysia đã tổ chức lễ tưởng niệm đúng 3 năm ngày chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 mất tích, trong khi các nhà điều tra vẫn chưa tìm được manh mối nào để lý giải nguyên nhân chiếc máy bay chuyển hướng khỏi đường bay dự kiến.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho hay, báo cáo cuối cùng của cuộc điều tra máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích năm 2014 sẽ được công bố vào ngày 17/1/2018.

Giả thiết ban đầu là máy bay đã đổi hướng bay và rơi tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương. Suốt hơn 2 năm qua, Australia đã điều phối một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn và tốn kém nhất trong lịch sử ngành hàng không tại vùng biển rộng khoảng 120.000km2 ở phía Nam Ấn Độ Dương, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được số phận của chiếc máy bay này.

Đến nay, 27 mảnh vỡ đã được tìm thấy, trong đó có 2 mảnh vỡ từ Nam Phi được phát hiện cách đây 2 tuần. Trong số đó, chỉ có 3 mảnh vỡ được xác nhận thuộc máy bay MH370, trong khi 5 mảnh vỡ khác được xác định là “gần như chắc chắn” từ máy bay Boeing 777.

Ankara bắt nữ nghi phạm người Nga trong vụ ám sát đại sứ

Ekaterina B, ảnh nhỏ, bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt do nghi liên quan đến kẻ ám sát Đại sứ Nga. 

Đối tượng Ekaterina B (33 tuổi), bị bắt vì được cho là trao đổi qua điện thoại và nhắn tin qua ứng dụng WhatsApp với Mevlut Mert Altintas, kẻ sát hại Đại sứ Andrei Karlov. Thời điểm Ekaterina B liên lạc với Altintas là vào cuối tháng 11 năm ngoái, trước khi xảy ra vụ ám sát. Altintas ngày 19/12 đã bắn vào lưng Đại sứ Karlov khi ông đang phát biểu tại một cuộc triển lãm ở Ankara. Y đã bị cảnh sát tiêu diệt ngay tại hiện trường.

Theo phát ngôn viên Irina Kasimova của Đại sứ quán Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, cơ quan này đã đề nghị Ankara cung cấp thêm thông tin về việc bắt giữ Ekaterina B. Nga yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ xác định nguyên nhân, ngày tháng và chi tiết xung quanh vụ bắt giữ. Trước đó ngày 19/12/2016, Đại sứ Karlov đã bị bắn trọng thương và sau đó tử vong khi đang phát biểu tại một cuộc triển lãm nghệ thuật ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ phạm được xác định là Mevlut Mert, 22 tuổi, từng là cảnh sát chống bạo động ở Ankara.

Triều Tiên phóng 3/4 tên lửa rơi vào vùng biển Nhật Bản

Triều Tiên phóng thử 4 tên lửa đạn đạo.

Quân đội Hàn Quốc cho biết vụ phóng diễn ra vào lúc 22 giờ 36 ngày 5/3 (giờ địa phương) từ khu vực Tongchang-ri. Hàn Quốc cũng nói rằng, CHDCND Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa và chúng bay khoảng 1.000km.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết, 3 trong số 4 tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản, cách bán đảo Oga, quận Akita 300 - 350km. “Vụ phóng tên lửa đạn đạo rõ ràng chứng minh một mối đe dọa mới từ Triều Tiên”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói và nhấn mạnh Tokyo phản đối mạnh mẽ Bình Nhưỡng về vụ phóng này.

CHDCND Triều Tiên bị cấm thử mọi loại tên lửa và công nghệ hạt nhân do đó vụ thử hồi tháng 2 cũng đã bị Liên Hợp quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lên án mạnh mẽ. Phía CHDCND Triều Tiên nhiều lần khẳng định chương trình vũ trụ của nước này là hòa bình, tuy nhiên, Bình Nhưỡng bị cho là đang phát triển tên lủa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.