Thế giới tuần qua: Xét xử nghi phạm vụ sát hại công dân Triều Tiên

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xét xử nghi phạm vụ sát hại công dân Triều Tiên; Tổng thống Donald Trump phát biểu lần đầu trước Quốc hội... là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Xét xử nghi phạm trong vụ sát hại công dân Triều Tiên nghi là anh trai nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Ngày 1/3, nghi phạm Đoàn Thị Hương (công dân Việt Nam, 28 tuổi) và Siti Aisyah (Indonesia, 25 tuổi) đã bị buộc tội cố ý mưu sát công dân công dân Triều Tiên, nghi là Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nếu bị kết tội, 2 nghi phạm sẽ bị xử tử hình.
Thế giới tuần qua: Xét xử nghi phạm vụ sát hại công dân Triều Tiên - Ảnh 1
Nghi phạm Siti (trái) và Đoàn Thị Hương (áo vàng) xuất hiện tại phiên tòa.
Bản cáo trạng ghi rõ 2 nữ nghi phạm bị buộc tội cùng 4 người khác mưu sát ông Kim Chol tại sảnh khởi hành ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur KILA2 tại Sepang, lúc 9h sáng, ngày 13/2. 
Luật sư đại diện cho Siti là ông Gooi Soon Seng, trong khi luật sư Selvam đại diện cho Đoàn Thị Hương. Luật sư của Siti dự kiến đưa vụ án lên tòa cấp cao ở Shah Alam.
Công tố viên cho biết, phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 13/4 để phía công tố có thể thu thập thêm các tài liệu cần thiết.
Trước đó, 2 nghi phạm từng khai mình bị lợi dụng, được thuê để đóng vai trong một chương trình truyền hình thực tế và không hề biết nạn nhân là ai. Nghi phạm Siti khai rằng, cô được trả 90 USD cho “nhiệm vụ” này.
Hai nghi phạm bị cáo buộc đã đầu độc người được cho là ông Kim Jong-nam bằng chất độc VX tại sân bay. Theo camera giám sát tại sân bay, hai phụ nữ này đã đi bộ đến gần và bôi chất độc lên mặt nạn nhân. Nghi phạm Siti áp sát từ đằng trước trong khi Đoàn Thị Hương tiến đến từ phía sau.
Tổng thống Donald Trump lần đầu phát biểu trước Quốc hội
Ngày 28/2, ông Trump đã phát biểu lần đầu tiên trước Quốc hội kể từ khi nhậm chức. Đặc biệt, ông đã thay đổi giọng điệu theo hướng trầm tĩnh hơn.
Trong bài phát biểu, ông Trump đã trình bày lại thông điệp "Nước Mỹ trước tiên" theo cách tươi sáng hơn dù có một vài thay đổi lớn trong cách mô tả chính sách chung mà Trump ủng hộ từ những ngày đầu.
Những lời công kích nhắm đến các đối thủ hầu như không xuất hiện trong bài phát biểu. Thay vào đó, Tổng thống Trump đã kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ đoàn kết lại để cùng thực hiện các cải cách về vấn đề nhập cư. Mở đầu bài phát biểu, ông Trump nói: "Tôi có mặt ở đây tối nay để gửi gắm thông điệp của sự đoàn kết, sức mạnh, đó là thông điệp mà tôi muốn truyền đạt từ tận đáy lòng mình".
Đồng thời, ông Trump cũng tranh thủ cơ hội khoe khéo các thành tựu kinh tế, giúp người dân tiết kiệm số thuế phải trả khi “mặc cả” thành công giá chiếc máy bay chiến đấu F-35 và sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ USD nữa nhờ các hợp đồng mua máy bay giá rẻ khác.  
Thượng viện Anh bác Dự luật Brexit của Thủ tướng
Sau thời gian tranh luận, Thượng viện Anh đã bỏ phiếu yêu cầu Chính phủ Anh sửa đổi Dự luật Brexit với tỷ lệ phiếu 256/358. Theo đó, các nghị sĩ Thượng viện Anh yêu cầu Thủ tướng Theresa May đưa vào trong Dự luật Brexit điều khoản đảm bảo các công dân EU sinh sống tại Anh được quyền sinh sống và làm việc tiếp ở nước này sau Brexit.
Phiên tranh luận tại Thượng viện.
Phản ứng trước cuộc bỏ phiếu của Thượng viện Anh, chính quyền Thủ tướng May tuyên bố quyết tâm giữ nguyên nội dung dự luật Brexit, không bổ sung, khi vấn đề này được đưa ra bàn thảo xem xét lại tại Hạ viện Anh vào tuần tới. Đại diện văn phòng phố Downing nhấn mạnh, kế hoạch về tiến trình Brexit vào cuối tháng 3 sẽ không thay đổi. Bà May được cho là khá tự tin với việc có thể thay đổi kết quả cuộc bỏ phiếu về yêu cầu sửa đổi Dự luật Brexit vào ngày 13 và 14/3.
Đối với yêu cầu sửa đổi Dự luật Brexit của Thượng viện Anh, đại diện chính quyền Thủ tướng May cho rằng, London sẽ đợi để các nước trong EU cũng phải có điều khoản tương tự như vậy đối với các công dân Anh hiện đang sinh sống tại EU, chứ không muốn đơn phương đưa ra lời đảm bảo như Thượng Viện yêu cầu bổ sung. Do yêu cầu bổ sung của Thượng viện nên vấn đề này sẽ quay trở lại Hạ Viện để bàn thảo, khiến tiến trình thông qua dự luật này bị chậm lại ít nhất là 1 tuần đến ngày 14/3.
Căng thẳng Trung - Hàn leo thang quanh việc triển khai THAAD
Sau khi có thông tin Hàn Quốc sẽ triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) vào giữa năm nay, một loạt các động thái căng thẳng giữa Bắc Kinh và Seoul đã diễn ra. 
Hệ thống THAAD.
Chính phủ Bắc Kinh đã cấm tất cả các công dân du lịch tới Hàn Quốc đồng thời tiến hành các “đòn” kinh tế đối với Seoul. Ngay sau khi thông tin Lotte đồng ý đổi đất cho bên quân đội dùng làm mặt bằng thiết lập Hệ thống THAAD được phát đi, nhiều công ty lớn của Trung Quốc thông báo quyết định không tiếp tục hợp tác, làm ăn với - tập đoàn kinh tế lớn thứ 5 của Hàn Quốc. 
Đáp trả, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Trung Quốc đã thành lập một nhóm đối phó khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho công dân Hàn tại Trung Quốc và giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp sau các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh về việc Seoul triển khai THAAD. Một quan chức Đại sứ quán cho biết gần đây cơ quan này đã tiến hành rà soát lại một cách tổng hợp về tình hình tại Trung Quốc liên quan tới vấn đề THAAD.
Nga - Trung phủ quyết nghị quyết của LHQ về Syria
Đại diện Nga và Trung Quốc cho rằng, nghị quyết của Liên Hợp quốc (LHQ) về việc trừng phạt Syria vì sử dụng vũ khí hóa học gây ảnh hưởng tới hòa đàm tại Geneva.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 28/2 đã bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết nhằm áp đặt lệnh cấm vận và trừng phạt với các thực thể và cá nhân ở Syria có liên quan đến cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.
Bạo lực tiếp diễn ở Syria trong khi Nghị quyết của LHQ bị phủ quyết.
Tuy nhiên, dự thảo do Mỹ, Anh, Pháp đệ trình đã không được thông qua, khi có tới 3 phiếu phủ quyết của Nga, Trung Quốc và Bolivia. Số phiếu còn lại gồm 9 phiếu thuận và 3 phiếu trắng.
Dự thảo trừng phạt gồm các biện pháp phong tỏa tài sản, cấm đi lại đối với 11 cá nhân, 10 thực thể ở Syria có liên quan đến sản xuất, sử dụng vũ khí hóa học. Bên cạnh đó là lệnh cấm vận vũ khí, bán trực thăng, buôn bán chlorine và các chất hóa học khác cho chính phủ Syria vì lý do có thể bị sử dụng để chống lại dân thường.
Động thái bác lệnh trừng phạt Syria của Nga và Trung diễn ra trong bối cảnh những cuộc đàm phán hòa bình cho Syria tại Geneva vẫn chưa có tín hiệu tích cực nào về việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 6 năm tại quốc gia này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần