Vì vậy có thể chuẩn bị bật đèn xanh cho Phần Lan trước khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nghỉ bầu cử vào giữa tháng 3, thay vì sau các cuộc bỏ phiếu Quốc hội và Tổng thống vào tháng 5 như dự kiến trước đây. Còn Thụy Điển thì Ankara chưa sẵn sàng phê chuẩn.
Yle cũng cho biết: Trước đó, ngày 30/1/2023, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã liên lạc với Thổ Nhĩ Kỳ “ngay lập tức” sau khi thông tin trên được truyền tải. Niinistö nhấn mạnh rằng mục tiêu của Phần Lan là gia nhập NATO cùng thời gian với Thụy Điển.
Niinistö cũng đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, nhưng không tiết lộ chi tiết của cuộc nói chuyện. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan, Pekka Haavisto cho biết trong một cuộc họp báo rằng, Phần Lan kiên trì kế hoạch gia nhập NATO cùng lúc với Thụy Điển và hy vọng sẽ thực hiện điều này không muộn hơn tháng Bảy.
Thổ Nhĩ Kỳ đã trì hoãn phê duyệt hồ sơ xin gia nhập NATO của cả hai quốc gia Bắc Âu bất chấp một thỏa thuận hồi tháng 6/2022 của các thành viên NATO tại Madrid. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển thậm chí còn xấu đi trong những tuần gần đây sau vụ các phần tử quá khích treo hình nộm ông Erdogan trước tòa thị chính Stockholm cũng như vụ đốt một bản sao kinh Koran.
Trong suốt quá trình nộp đơn xin gia nhập (vào tháng 2022) đến nay, Phần Lan và Thụy Điển đã bày tỏ mong muốn gia nhập NATO cùng một lúc. Mong muốn này đã được Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nhấn mạnh thêm trong chuyến thăm Stockholm ngày 2/2/2023 để gặp người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson.
Tuy nhiên, cũng thời điểm này, báo Ilta-Sanomat (Tin buổi chiều) của Phần Lan công bố kết quả một cuộc thăm dò cho thấy 53% người Phần Lan cho rằng Phần Lan không nên đợi đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển được chấp thuận. Chỉ 28% nghĩ rằng Phần Lan nên đợi và gia nhập NATO cùng lúc với Thụy Điển.
Một tờ báo Phần Lan khác, báo của Hội Nông dân lưu ý rằng mặc dù Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO cùng lúc, song mỗi quốc gia nộp hồ sơ một cách độc lập. Theo quan điểm của Thụy Điển, tình hình sẽ tốt hơn nếu Phần Lan trở thành thành viên càng sớm càng tốt. Đến một lúc nào đó cả hai nước sẽ là thành viên của NATO.
Một bài báo trên tờ Iltalehti cho biết, cùng lúc với việc thủ tướng cam kết ở Stockholm về việc đồng hành cùng Thụy Điển trong việc gia nhập NATO, Tổng thống đã thảo luận với lãnh đạo các đảng về cách Phần Lan sẽ tiến hành nếu Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan trước cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tác giả bài báo, trong trường hợp đó, Phần Lan sẽ phê chuẩn tư cách thành viên của mình ngay lập tức để hồ sơ gia nhập của họ được cất vào kho lưu trữ ở Washington. Bài báo lập luận rằng điều này không làm mất đi tầm quan trọng tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, cũng như không làm suy yếu mối quan hệ đặc biệt giữa Thụy Điển và Phần Lan.
Trong số 30 thành viên của NATO, chỉ còn hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập của các nước Bắc Âu. Hungary dự kiến sẽ phê chuẩn trong tháng Hai này. Còn Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ khó đạt được tiến triển trước tháng Năm, thời điểm mà nước này tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội. Vào tháng 4 tới Phần Lan cũng sẽ tổ chức bầu cử Nghị Viện.