Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế khó của Trung Quốc trong thỏa thuận giai đoạn 1 với Mỹ

Nguyễn Phương (Theo CNBC, Nikkei)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà phân tích tỏ ra hoài nghi khi cho rằng Trung Quốc khó có thể thực hiện đúng cam kết mua lượng lớn nông sản Mỹ theo thỏa thuận sơ bộ vừa đạt được tuần trước.

Mặc dù các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ hôm 13/12 thông báo đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, tạm dừng cuộc chiến thuế quan”ăn miếng trả miếng”, giới quan sát đang đặt câu hỏi rằng liệu Bắc Kinh có thực sự đáp ứng các điều khoản khó khăn, bao gồm tăng gấp đôi lượng nhập khẩu từ Mỹ trong vòng 2 năm .
Theo thỏa thuận, Trung Quốc nhất trí với việc sẽ nâng số lượng mua hàng nông sản Mỹ của lên 40 tỷ USD, tăng từ 24 tỷ USD năm 2017 và mở rộng tổng lượng nhập khẩu thêm 200 tỷ USD trong giai đoạn 2 năm.
 Trung Quốc và Mỹ hôm 13/12 thông báo đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer hôm 15/12 cho biết rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được hôm 13/12 chắc chắn sẽ được ký kết. Theo ông Lighthizer, Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trong 2 năm tới theo như thỏa thuận mới mà hai bên dự định sẽ ký kết vào tháng 1 năm sau.
Trả lời phỏng vấn trên chương trình “Face the Nation” của đài CBS, ông Lighthizer cũng lưu ý thêm rằng việc thực thi những cam kết trong thỏa thuận này có hiệu quả hay không chủ yếu sẽ được quyết định bởi phía Trung Quốc, chứ không phải từ phía Mỹ.
Thỏa thuận đã được đón nhận nông nhiệt dù chưa ký kết chính thức và thời gian dự kiến là vào tháng 1/2020.
Tuy nhiên, giới quan sát bày tỏ sự hoài nghi rằng, liệu Bắc Kinh có thực sự đáp ứng các điều khoản trong thỏa thuận.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ ở cấp độ như Washington đòi hỏi sẽ là một vấn đề, và nhiều khả năng Bắc Kinh chỉ làm như vậy nếu điều kiện thị trường cho phép.
Đánh giá khá thận trọng này phủ một nỗi hoài nghi lớn lên nội dung về mua thêm hàng hóa nông sản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Mỹ và Trung Quốc vừa công bố trong tuần trước.
Trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, bà Deborah Elms - Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á, gọi khối lượng nông sản mà chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn Trung Quốc mua thêm là "con số điên rồ" và "có sức mạnh bóp méo thị trường" trên phạm vi toàn cầu. "Việc tăng mua nông sản với khối lượng và tốc độ như vậy là rất có vấn đề", chuyên gia Elms nhận xét.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/12 tuyên bố Trung Quốc sẽ sớm mua thêm 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Bắc Kinh chưa lên tiếng xác nhận một con số cụ thể nào.
Theo phân tích của chuyên gia Elms, Trung Quốc đã và đang "rất thận trọng" khi nói rằng khối lượng nông sản Mỹ mà họ dự định mua sẽ tùy thuộc điều kiện thị trường và các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Quan điểm hoài nghi của bà Elms cũng tương đồng với quan điểm của nhiều nhà phân tích khác, những người chỉ ra rằng có những hạn chế trong khối lượng nông sản mà Trung Quốc có thể tiêu thụ.
"Một số nội dung của thỏa thuận sơ bộ này thực sự chỉ mang tính chính trị hơn là thực tế", chiến lược gia toàn cầu Mark Jolley thuộc CCB Interntional Securities nhận xét.
"Có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc chỉ có thể thực hiện cam kết đó nếu họ mua nông sản để tích trữ… Rất khó để họ có thể tăng mức nhập khẩu nông sản quá ngưỡng mà họ vẫn nhập bình thường", nhà chiến lược Jolley nhận định.
Mấy tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng mua đậu tương - loại nông sản chủ yếu dùng làm thức ăn cho lợn - cũng như thịt lợn từ Mỹ, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Nhưng bà Elms nói rằng, Trung Quốc còn đang có thỏa thuận mua nông sản với các nước khác chứ không riêng gì Mỹ.
 Theo thỏa thuận thương mại sơ bộ, Trung Quốc sẽ tăng sản lượng thu mua nông sản và năng lượng của Mỹ lên 200 tỷ USD trong 2 năm tới.
Từ khi diễn ra cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc chủ yếu nhập đậu tương từ các nước Nam Mỹ. “Việc Mỹ muốn Trung Quốc mua thêm một khối lượng lớn nông sản như vậy, lên tới 50 tỷ USD, chỉ trong vòng 2 năm là một việc rất bất hợp lý, bà Elms nhận định khi nói rằng trong năm ngoái, Bắc Kinh chỉ mua khoảng 8,6 tỷ USD  hàng nông sản từ Mỹ.
Ngoài ra, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc đã giảm 5% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay. Sự sụt giảm này dự kiến ​​sẽ kéo dài đến hết năm bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với sự già hóa dân số.
Bên cạnh đó, trong quá trình thảo luận về thỏa thuận giai đoạn 1, phía Mỹ đã công bố các chi tiết như giá trị của các sản phẩm của Mỹ mà Trung Quốc đã đồng ý mua, nhưng tuyên bố của Bắc Kinh lại tập trung nhiều hơn vào các nguyên tắc rộng rãi của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Các nhà quan sát nhận thấy, điều này phản ánh, Bắc Kinh đang quan tâm về những rủi ro có thể xảy ra trước buổi lễ ký kết chính thức - dự kiến diễn ra vào tháng 1/2020./.