Bộ SGK của nhà nước giải quyết được nhiều việc?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành giám sát về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Từ kết quả giám sát, đoàn kiến nghị, “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung một bộ SGK của nhà nước”.
Khẳng định tính cần thiết của việc có một bộ SGK của nhà nước theo kiến nghị trên, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân cho rằng, nếu quay về thực hiện tinh thần Nghị quyết 88 sẽ giải quyết được nhiều mâu thuẫn hiện nay về vấn đề SGK; do đó, rất cần thiết việc biên soạn một bộ SGK của nhà nước, thậm chí là càng biên soạn sớm càng tốt. Khi nhà nước có một bộ SGK, những lộn xộn liên quan đến nội dung, hình thức, đặc biệt là giá cả SGK sẽ được dẹp bỏ.
Xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn phải bảo đảm nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 là Bộ GD&ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn SGK, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ SGK. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo ông Đặng Tự Ân, việc có thêm một bộ SGK của nhà nước không gây ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình mới; vẫn tồn tại nhiều bộ sách trên thị trường. Bộ sách của nhà nước đi sau tất nhiên sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc rút kinh nghiệm, khắc phục tồn tại của các bộ sách hiện có, từ đó tối ưu hóa tính chuẩn mực.
“Dù là bộ SGK của nhà nước nhưng các bộ sách vẫn bình đẳng. Việc chọn lựa SGK sẽ do chính nhà trường, thầy cô quyết định căn cứ quá trình tìm hiểu, so sánh của mình” – ông Ân nói.
Đồng quan điểm trên, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) Hoàng Ngọc Vinh nêu ý kiến, rằng “Bộ GD&ĐT nên chủ trì biên soạn một bộ SGK tiêu chuẩn cốt lõi”.
SGK do Bộ biên soạn được tiêu chuẩn hóa đảm bảo một chương trình giảng dạy nhất quán giữa các trường và lớp học trên cả nước. Điều này giúp duy trì các tiêu chuẩn giáo dục thống nhất và giảm sự chênh lệch về kết quả học tập.
"SGK của Bộ có thể phù hợp với các đánh giá được tiêu chuẩn hóa, giúp việc kiểm tra, đánh giá tiến bộ của học sinh khách quan, công bằng trên diện rộng dễ dàng hơn. Đây là điều mà việc thực hiện nhiều bộ sách xã hội hóa như hiện nay không có được"- ông Vinh phân tích.
Có thêm bộ sách gây lãng phí!
Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc biên soạn thêm một bộ SGK bằng tiền ngân sách hoàn toàn không cần thiết trong bối cảnh thực hiện xã hội hóa như hiện nay bởi sẽ gây tốn kém, lãng phí.
Ngoài ra, việc thay sách đã đi gần hết một chặng đường. Nếu có một bộ sách vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách lớn, cần phải huy động rất nhiều thời gian, nguồn lực; trong khi đổi mới giáo dục không thể cho thêm nhiều thời gian để chậm lại.
Điều quan trọng nữa, đó là việc Bộ GD&ĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn các chủ biên. Bởi hiện nay, hầu hết những chuyên gia về lĩnh vực này đã tham gia biên soạn các bộ SGK hiện hành.
Về vấn đề trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nêu quan điểm cho rằng không cần thiết biên soạn thêm một bộ SGK của nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: Việc đổi mới giáo dục lấy nội dung chương trình là chính, SGK chỉ là tài liệu tham khảo. SGK không phải là phần cứng, là pháp lệnh như trước. Hơn nữa, phương pháp học thay đổi, thầy trò lấy nhiều nguồn thông tin và xử lý tình huống đề cao sự sáng tạo.
Quốc hội đã ra nghị quyết cho phép “một chương trình, nhiều bộ SGK” và mỗi bộ sách có ưu điểm khác nhau, người học có quyền lựa chọn, tham khảo.
“Trên cơ sở SGK đã xuất bản, Bộ nên chọn lọc những cuốn/nội dung ưu việt nhất, đưa lên mạng thành tài liệu dùng chung. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến chương trình mới còn người học, người dạy có thể lên mạng để tham khảo, tra cứu và cũng không ảnh hưởng thị trường sách hiện nay”- TS Nguyễn Tùng Lâm nói
Ths Đặng Thanh Bình, cán bộ quản lý tại một trường trung học Hà Nội cho rằng, việc có thêm một bộ SGK do nhà nước biên soạn là “không quan trọng, không cần thiết”.
Theo cán bộ quản lý giáo dục này, các bộ sách hiện hành đều viết theo khung chương trình của Bộ đưa ra, có thẩm định, đánh giá, đưa ra khung định lượng… Hơn nữa, bộ nào cũng có ưu điểm riêng và sau 3 năm thực hiện, giáo viên cũng cảm thấy quen thuộc và yêu mến các bộ sách. Nếu có thêm bộ sách do Bộ biên soạn, chắc chắn giáo viên sẽ lấy sách đó làm chuẩn mực và lựa chọn để giảng dạy; điều này ắt dẫn đến việc quay về thời "1 chương trình, 1 bộ SGK” như trước đây.
Phản biện quan điểm về việc biên soạn 1 bộ SGK của nhà nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn luận giải: Thực tế là, Nhà nước (Bộ GD&ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
"Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần 1 bộ SGK - tức một bộ học liệu của nhà nước hay không? Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ SGK nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD&ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?".
Trong buổi gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý ngành Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ các nhà giáo một điểm quan trọng trong thực hiện chương trình mới, đó là nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng SGK.
"Trong giai đoạn trước, chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào SGK. SGK là chỗ dựa, dạy phải theo đó, học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì phải thi thế ấy. Chúng ta bị khuôn hẹp, bị khuôn cứng, bị lệ thuộc vào SGK. Nhưng sự thay đổi lớn của lần này là chương trình là thống nhất toàn quốc, là yêu cầu, SGK là học liệu – cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng chúng ta cần sử dụng SGK một cách chủ động, không lệ thuộc – đó là công cụ và chúng ta sẵn sàng sử dụng các bộ SGK khác, các học liệu khác, sử dụng một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động của chúng ta…."- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 của ngành GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Việc thực hiện Chương trình GDPT mới và SGK giáo dục phổ thông còn một số bất cập. Từ đây, Thủ tướng đề nghị công tác xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới GD&ĐT phải được thực hiện khoa học, bài bản, kĩ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn. Cùng với đó, hệ thống SGK cần đổi mới nhưng phải bảo đảm chuẩn mực, có tính ổn định tương đối và phát triển. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình GDPT 2018 phù hợp với thực tiễn, yêu cầu đặt ra; phải kiên định, kiên trì, kiên quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.