Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân T.T.T. (46 tuổi, Hà Tĩnh) được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ Trung tâm Chống đã tiến hành các phác đồ điều trị tích cực, tuy nhiên bệnh nhân không qua khỏi, gia đình xin cho bệnh nhân về nhà.
Theo bệnh sử, bệnh nhân uống khoảng 500 - 600ml nước thuốc sắc từ rễ cây phơi khô. Rễ cây sử dụng được cho là rễ cây cóc với công dụng chữa đau dầu, mất ngủ lâu năm, được đào trong rừng, thường được người dân dùng làm thuốc sắc uống.
Sau uống 10 phút, bệnh nhân xuất hiện méo miệng, mệt lả, ý thức bệnh nhân giảm dần, gọi hỏi không đáp ứng. Bệnh nhận được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, truỵ tim mạch.
Với các biểu hiện của ca bệnh, các bác sĩ Trung tâm Chống độc nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc cây lá ngón nên đã thu thập mẫu nước sắc rễ cây của bệnh nhân làm xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu nước sắc và cành rễ khô thái lát người nhà bệnh nhân cung cấp, đều tìm thấy chất độc nhóm koumine và gelsemine. Đây đều là các độc tố trong cây lá ngón.
Người nhà bệnh nhân cho biết thêm, cùng uống nước thuốc sắc từ rễ cây với bệnh nhân, còn có 3 người khác (uống vào buổi tối hôm trước, sau đó có biểu hiện chóng mặt, mệt lả).
Theo bác sĩ Nguyên, 3 người uống tối hôm trước, biểu hiện nhẹ có thể do nước thuốc vừa sắc, độc tố ngấm ra chưa nhiều và lượng uống ít. Để qua đêm, chất độc khuếch tán, ngấm vào nước, bệnh nhân T.T.T. lại uống nhiều 500 - 600ml. Với lá ngón chỉ cần một lượng rất nhỏ, 2 - 3 lá khi ăn phải đã có thể nhanh chóng gây tử vong.
TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, cây lá ngón và cây rễ cóc có hình dạng giống nhau, rất dễ nhầm lẫn, nguy cơ ngộ độc cao nếu ăn phải. Trung tâm chống độc trước đây cũng đã từng gặp các trường hợp tương tự uống nhầm phải rễ cây lá ngón, hoặc tự tử bằng ăn lá ngón.
“Dù là thuốc tây y hay y học cổ truyền, người dân cần tuân thủ nguyên tắc được kê đơn, hướng dẫn sử dụng bằng cách đi khám tại bệnh viện, thầy thuốc đông y được cấp chứng chỉ hành nghề. Người dân không nên tự ý đi lấy các loại lá, rễ cây rừng về sử dụng, có thể nhầm lẫn với cây có độc rất nguy hiểm” - TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.