Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm cơ hội mua hàng Việt qua thương mại điện tử

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/12, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị “Cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất Việt triển khai phân phối trên nền tảng thương mại điện tử trong bối cảnh mới”.

Trong khuôn khổ của hội nghị, các doanh nghiệp Việt được tiếp cận thêm giải pháp cụ thể và thiết thực khác trong phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” như các giải pháp về tài chính điện tử, chuyển đổi số doanh nghiệp của Ngân hàng VPBank; giải pháp quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ thông qua công nghệ mã QR code (iCheck)…
Cũng tại hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn mở rộng kênh phân phối, phát triển hệ thống phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”.

 Quang cảnh hội nghị ''Cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất Việt triển khai phân phối trên nền tảng thương mại điện tử trong bối cảnh mới''.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ( Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải nêu rõ: “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ nằm ở trang đầu trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Vỏ Sò... Các sản phẩm trong gian hàng được lựa chọn là những thương hiệu Việt uy tín, chất lượng sản phẩm được bảo đảm bởi nhà sản xuất, hồ sơ doanh nghiệp do Bộ Công Thương kiểm tra, đánh giá.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Thời gian qua Hà Nội đã phối hợp với Nhật Bản làm trang nông sản sạch, giới thiệu thực phẩm sạch, đặc sản vùng miền với gần 200 doanh nghiệp cung ứng và 1.000 doanh nghiệp cung ứng tham gia. Tuy nhiên, không nên làm phong trào mà tập trung sản phẩm tốt, có năng lực đặc biệt là sản phẩm chế biến; cần nhiều cuộc tập huấn, hỗ trợ chuyên sâu cho doanh nghiệp; đào tạo cho doanh nghiệp tiếp cận phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử, kinh tế số.
 Giao diện gian hàng Việt trực tuyến

Đại diện phía doanh nghiệp, Phó Giám đốc Công ty CP Sendo Nguyễn Quang Thuật chia sẻ: Tuy có lượng truy cập lớn nhưng Sendo đang gặp khó khăn trong triển khai quy mô diện rộng, đưa sản phẩm thương hiệu Việt tới tay người tiêu dung do nhu cầu vượt lên trên thực tế. Bởi doanh nghiệp đang cố gắng bảo vệ kênh phân phối truyền thống hơn là kênh thương mại điện tử bằng việc bán ra với sản phẩm, giá thành khiêm tốn hơn so với truyền thống.
Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có từ khóa với giá thành sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Vì vậy, Sendo kỳ vọng cần có thêm các khóa đào tạo, buổi hội thảo, hội nghị tại địa phương nhằm nâng cao phối hợp giữa sàn với doanh nghiệp. Ngoài ra, nên thiết lập gian hàng hoàn chỉnh, song hành cùng vận hành để bán sản phẩm với giá cả mang yếu tố cạnh tranh, hướng đi lâu dài và bền vững hơn.
Ý kiến của các đại biểu cho thấy “Gian hàng Việt trực tuyến” hứa hẹn sẽ là cánh cửa rộng mở cho các doanh nghiệp sản xuất Việt uy tín đa dạng hoá kênh phân phối, vươn lên mạnh mẽ trước biến động khó lường của đại dịch Covid-19.