70 năm giải phóng Thủ đô

Thêm công cụ kiểm soát cán bộ

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đạo đức công vụ, văn hóa công vụ, vấn đề đã, đang được nhắc đến nhiều trong thời gian qua và đang tiếp tục nhận được sự chú ý khi Bộ Nội vụ xây dựng Dự thảo Nghị định ban hành Bộ quy tắc Đạo đức công vụ.

Trong đó có nhiều quy định cụ thể về giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với tổ chức và công dân được kỳ vọng sẽ xóa bỏ được những “hạn sạn” khiến người dân bức xúc, phiền lòng.

Thực tế, hiện đã có rất nhiều quy định pháp luật nhằm chuẩn hóa và nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành quy tắc, quy định về văn hóa ứng xử nơi công sở, quy định về chuẩn mực đạo đức khi giao tiếp với Nhân dân. Ngày càng nhiều mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, “Nụ cười công sở”… được triển khai và lan tỏa đã nâng cao hơn sự hài lòng của người dân khi đến cơ quan công quyền.

Tuy vậy, dưới những câu khẩu hiệu như “cán bộ là công bộc của dân”, “cán bộ hết lòng vì dân, sống theo hiến pháp và pháp luật”… ở chỗ này, chỗ kia vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, hạch sách, thậm chí lấy tiêu chí “đúng quy trình” để gây khó, kéo dài thời gian giải quyết công việc…

Rồi "tham nhũng vặt" cũng chưa dứt và có những biến tướng tinh vi về hình thức, ảnh hưởng đến hình ảnh những người thực thi công vụ, gây bức xúc lớn cho người dân, DN… Chính những việc này đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, thậm chí đổ vỡ, xói mòn lòng tin của người dân với đội ngũ cán bộ.

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó một trong các nguyên nhân được xác định là nội dung đạo đức công vụ được quy định trong nhiều văn bản, khó thực hiện; cán bộ vi phạm chưa bị xử lý nghiêm. Vì vậy, xây dựng bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền, DN, tổ chức xã hội nghề nghiệp được kỳ vọng sẽ hình thành chuẩn mực cho cán bộ, công chức, đảm bảo sự văn minh, chuyên nghiệp trong công vụ.

Dự thảo về Bộ quy tắc Đạo đức công vụ đưa ra nhiều quy định đáng chú ý như cán bộ, công chức giao tiếp với công dân phải chuẩn mực, rõ ràng; không hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, kéo dài thời gian xử lý công việc; lắng nghe, tận tình giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể cho người dân về quy trình, thủ tục; cán bộ, công chức chỉ được tiếp công dân, DN tại trụ sở cơ quan, không được hẹn gặp ngoài giờ làm việc hoặc tại nhà riêng. Bộ Nội vụ mong muốn cán bộ, công chức phải liêm khiết, chính trực; dám nghĩ, dám nói, dám làm…

Sức mạnh của đạo đức là niềm tin cá nhân, là nền nếp văn hóa, là sức mạnh dư luận xã hội. Vì vậy, việc biến nhận thức về đạo đức công vụ thành hành vi đạo đức khi thi hành công vụ của người cán bộ, công chức là việc làm hết sức cần thiết.

Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ chính là biện pháp hành chính để người dân sẽ có thêm một kênh giám sát quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, thực hành đạo đức công vụ. Do đó, quan trọng hơn là cần cả những giải pháp mạnh để đưa được Bộ quy tắc vào thực thi, đặc biệt với những quy định không dễ kiểm tra như có hẹn gặp riêng để giải quyết việc công không...

Đồng thời rõ chế tài để xử lý nghiêm minh, minh bạch, công khai với những vi phạm. Để từ đó, mỗi cán bộ, công chức phải tự soi, tự sửa hành vi của mình và từng cơ quan cũng cần đánh giá thực chất về việc thực hiện đúng các chuẩn mực đạo đức này. Khi đó những quy tắc được ban hành mới phát huy hiệu quả, trở thành công cụ để kiểm soát cán bộ.