Thi chứng chỉ ngoại ngữ: Cơ hội rộng hơn cho chứng chỉ nội

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc các đơn vị liên kết thông báo tạm hoãn tổ chức một số kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (hiện đã được Bộ cấp phép trở lại) là dịp để phụ huynh, học sinh và xã hội nhìn lại hệ thống chứng chỉ ngoại ngữ đang được sử dụng ở nước ta.

Giữa nhiều loại chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như: IELTS, APTIS, TOEFL, TOEIC…, thì có một chứng chỉ nội được nhắc đến, đó là VSTEP.

Nhiều trường ĐH sử dụng chứng chỉ VSTEP trong tuyển sinh

Kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dành cho Việt Nam (VSTEP- Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) do các trường ĐH trong nước tổ chức thi và cấp. Bài thi đánh giá năng lực VSTEP được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng khung tham chiếu châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam. Khung năng lực được chia làm 3 cấp (sơ cấp, trung cấp và cao cấp) và 6 bậc (từ bậc 1 đến bậc 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR). Đề thi VSTEP cũng bao gồm 4 bài thi cho 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trên giảng đường. Ảnh Công Hùng
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trên giảng đường. Ảnh Công Hùng

Tháng 8/2022, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT công bố, cả nước có 25 trường đại học, học viện được tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung này, trong đó có 10 trường ở Hà Nội, 8 trường ở TP Hồ Chí Minh.

Cho đến thời điểm hiện tại, dù Bộ GD&ĐT là nơi ra đề thi, cấp phép cho các trường ĐH tổ chức thi và cấp chứng chỉ nhưng Bộ vẫn chưa chấp nhận chứng chỉ VSTEP để miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh. Nhiều chuyên gia cho rằng do quy trình, cách thức đánh giá và đề thi chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam chưa tạo được uy tín đối với xã hội, nhất là đối với các trường ĐH tốp đầu, hơn nữa chưa được các nước công nhận nên giá trị và phạm vi sử dụng vẫn còn nhiều hạn chế. VSTEP cũng chưa được thế giới công nhận nên thí sinh chọn chứng chỉ quốc tế thay vì chọn chứng chỉ VSTEP.

Tuy vậy, từ năm 2023, không chỉ sử dụng các loại chứng chỉ ngoại ngữ do các tổ chức khảo thí nước ngoài cấp như IELTS, TOEIC, TOEFL, APTIS…, nhiều trường ĐH của Việt Nam sẽ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ do chính các trường trong nước cấp.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trong Đề án tuyển sinh của trường năm 2022 không xét tuyển chứng chỉ VSTEP. Từ năm 2023, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ chính thức sử dụng chứng chỉ VSTEP do Trung tâm Ngoại ngữ của Trường tổ chức thi, cấp. Với trường ĐH Hà Nội, những năm trước trường không xét chứng chỉ VSTEP nhưng thời gian tới, trường dự kiến sẽ đưa nội dung có sử dụng chứng chỉ VSTEP trong tuyển sinh ra bàn thảo.

Là cơ sở giáo dục đầu tiên sử dụng kết quả bài thi VSTEP để xét tuyển vào đại học, đại diện ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin: Từ năm 2022, đơn vị này đã sử dụng VSTEP trong phương thức tuyển sinh 2 - xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Thí sinh phải có chứng chỉ này do trường ĐH Ngoại ngữ tổ chức riêng dành cho xét tuyển đại học đạt trình độ từ B2 trở lên (tương đương bậc 4), còn hạn sử dụng 2 năm kể từ ngày dự thi tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 14 điểm trở lên trong kỳ thi THPT năm 2022 (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn). Riêng đối với ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm tiếng Anh, kết quả bài thi VSTEP phải đạt trình độ từ C1 trở lên (tương đương bậc 5).

Theo một đại diện của trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội thì VSTEP là bài thi được Bộ GD&ĐT phê duyệt và cấp phép cho một số trường ĐH đủ điều kiện để tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Qua lần xét tuyển đầu tiên, trường ĐH Ngoại ngữ nhận định thí sinh sử dụng kết quả thi VSTEP để xét tuyển vào trường có năng lực tốt. Năm 2023, nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển sinh vào trường.

Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến đưa Chứng chỉ tiếng Anh VSTEP vào tuyển sinh năm 2023. Chi tiết về việc sử dụng chứng chỉ để tuyển sinh sẽ được ban hành trong đề án tuyển sinh 2023 được công bố trong thời gian tới. Đơn vị có thể sẽ sử dụng chứng chỉ của tất cả các trường, học viện được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ và sẽ ưu tiên xét tuyển với những thí sinh đạt từ bậc 4 trở đi.

Cùng với đó, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa tiếp tục đề nghị 9 trường thành viên công nhận chứng chỉ tiếng Anh VSTEP của Việt Nam để tuyển sinh, đào tạo và xét công nhận tốt nghiệp; quy định thang bậc quy đổi sang thang điểm tương ứng với chứng chỉ quốc tế IELTS cũng được nhiều trường đưa ra.

Được biết, lệ phí thi VSTEP khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng một lần thi, tùy nơi tổ chức. Thông tin về kỳ thi, định dạng đề thi, lịch thi luôn đăng tải công khai trên website chính thức của 25 trường đại học, học viện được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP.

Phụ thuộc mục đích sử dụng

Nguyễn Bảo Ngân, sinh viên năm thứ 5 ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: “Em có nghe nói về VSTEP nhưng em không chọn thi chứng chỉ này do trong bảng quy đổi tương đương các chứng chỉ tiếng Anh của trường em hiện tại chưa thấy xuất hiện VSTEP. Em cũng không chọn IELTS theo xu hướng mà chọn TOEIC bởi qua tìm hiểu thì các đơn vị tuyển dụng chuyên ngành của em thường đưa ra điều kiện có chứng chỉ TOEIC. Theo em, chứng chỉ nào cũng tốt nhưng trước khi thi, thí sinh nên tìm hiểu và xác định mục đích sử dụng của chứng chỉ, từ đó có lựa chọn tốt nhất”.

Là một trong 25 ĐH, học viện trên cả nước được Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP) theo Công văn số 2059/BGDĐT-QLCL ngày 14/5/2019, kể từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Đánh giá năng lực ngoại ngữ - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội được ghi nhận là một trong các đơn vị có lượng thí sinh đăng ký và tham gia dự thi khá ổn định.

“Từ năm 2019 - 2021, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên số lượng các đợt thi trong những năm này không được như kế hoạch, trung bình khoảng 7 - 8 đợt thi/1 năm, cá biệt năm 2021 chỉ tổ chức được 3 đợt thi. Từ đầu năm 2022 đến nay, mỗi tháng nhà trường tổ chức 1 đợt thi, trung bình mỗi đợt thi ước chừng có 500 - 600 thí sinh đăng ký tham dự. Thí sinh đến trực tiếp điểm thi tại trường để thi trên máy và nếu đạt yêu cầu sẽ được nhận chứng chỉ trong vòng 1 tháng tính từ thời điểm tham dự kì thi” - PGS. TS Dương Giáng Thiên Hương - Giám đốc Trung tâm Đánh giá năng lực ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết.

Cũng theo PGS. TS Dương Giáng Thiên Hương, tại thời điểm tạm hoãn thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS thì số thí sinh đăng ký thi chứng chỉ ngoại ngữ theo khung 6 bậc dùng cho Việt Nam tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn ổn định như trước, không có biến động. Đối tượng dự thi chủ yếu là sinh viên, học viên sau ĐH, cán bộ, nhân viên đã đi làm; do đó mục đích thi chứng chỉ của người tham dự kì thi có thể để đảm bảo chất lượng đầu ra theo yêu cầu của trường ĐH hoặc phục vụ nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu về cán bộ của đơn vị công tác.

Nguyễn Thu Hảo, sinh viên năm thứ năm (ĐH Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Ở lớp em, có nhiều bạn chọn thi IELTS vì có mục tiêu du học hoặc xin học bổng, còn em chọn và đăng ký thi VSTEP vì lệ phí thi thấp hơn và quan trọng là em muốn có chứng chỉ để xin vào làm việc tại cơ sở y tế của Việt Nam, VSTEP cũng để đảm bảo yêu cầu đầu ra môn ngoại ngữ của trường”.

Như vậy, chọn lựa chứng chỉ loại nào và kỳ thi nào hoàn toàn là quyền của thí sinh. Thí sinh căn cứ mục đích sử dụng chứng chỉ để đăng ký các kỳ thi phù hợp. Mỗi loại chứng chỉ đều có thời hạn nhất định nên thí sinh cần lưu ý và tìm hiểu thời gian đăng ký thi. Và điều quan trọng nữa, đó là mỗi kỳ thi đều có những yêu cầu nhất định về kiến thức, vì vậy điều tiên quyết để đảm bảo có chứng chỉ ngoại ngữ là vốn kiến thức thí sinh cần chuẩn bị để tự tin bước vào các kỳ thi.

 

Danh sách 25 đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam gồm: ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh; ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế; ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng; ĐH Thái Nguyên; ĐH Cần Thơ; ĐH Hà Nội; ĐH Sư phạm Hà Nội; ĐH Vinh; Học viện An ninh Nhân dân; ĐH Sài Gòn; ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh; ĐH Trà Vinh; ĐH Văn Lang; ĐH Quy Nhơn; ĐH Tây Nguyên; ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh; Học viện Khoa học Quân sự; ĐH Thương mại; Học viện Cảnh sát Nhân dân; ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; ĐH Kinh tế -Tài chính TP Hồ Chí Minh; ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần