Thi đua tạo ra động lực cả về vật chất và tinh thần xã hội
Cách đây 75 năm, ngày 11/6/1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tình hình đất nước ở vào thế "ngàn cân treo sợi tóc", tại bản Là Nọn, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Ngay sau đó, Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã có tác dụng tạo ra động lực động viên toàn thể nhân sỹ, trí thức, công nông binh và cả dân tộc. Để thực hiện được mục đích thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ "Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân". Thi đua yêu nước là nhiệm vụ cách mạng của mỗi người dân nên phong trào thi đua yêu nước phải mang tính chất toàn dân.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), qua nghiên cứu có thể thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay, những tư tưởng ấy vẫn luôn là nền tảng, động lực lôi cuốn mọi tầng lớp Nhân dân, mọi cấp, ngành hưởng ứng tham gia. Người hay phê bình kiểu phát động phong trào thi đua trống giong cờ mở, khẩu hiệu rất kêu, nhưng phong trào cách mạng không có. Ngay trong lời kêu gọi năm 1948, Bác đã nhắc, chú ý thi đua phải mang lại kết quả thiết thực. Sau đó, các phong trào thi đua đều bám sát điều đó, còn bệnh hình thức, bệnh thành tích là sau này dần dần mới xuất hiện.
Qua nhiều năm nghiên cứu các tư liệu về Bác, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng chia sẻ thêm những câu chuyện cụ thể Bác Hồ đã quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng. Theo đó, sau khi phát động phong trào thi đua, Bác là người theo dõi chặt chẽ, quan tâm đến cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo thi đua, không chỉ là lời kêu gọi chung chung. Bác đã mời ông Hoàng Đạo Thúy, lúc đó là Cục trưởng Cục thông tin, Bộ Quốc phòng sang làm Trưởng Ban thi đua đầu tiên. Từ đó, công tác tổ chức thi đua rất chặt chẽ. Và vào năm 1952 trong điều kiện kháng chiến ác liệt, nhưng chúng ta đã tổ chức được Đại hội thi đua yêu nước đầu tiên, tuyên gương các anh hùng, chiến sĩ thi đua tiêu biểu. Sau này cũng nền nếp đó, có thể không tổ chức được Đại hội, nhưng Ban thi đua vẫn đề xuất lên Bác để khen thưởng các tấm gương tiêu biểu. Qua đó cho thấy ngay từ đầu, thi đua đã gắn với khen thưởng. Như Bác đã nêu “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng lúc là một “đòn bẩy” thiết thực động viên phong trào thi đua.
“Tôi nhớ đầu những năm 1960 ở miền Bắc có 3 phong trào sôi nổi nhất. Đó là phong trào học tập tấm gương làm ăn giỏi của HTX Đại Phong ở Quảng Bình (gió Đại Phong); học cách quản lý hiệu quả của Nhà máy cơ khí Duyên Hải ở Hải Phòng (sóng Duyên Hải); phong trào 3 nhất trong quân đội (học tập, rèn luyện, huấn luyện phải đạt thành tích “nhiều nhất, đồng đều nhất, giỏi nhất”). Còn trong giáo dục có phong trào thi đua “dạy tốt học tốt” của trường cấp hai Bắc Lý ở Hà Nam (tiếng trống Bắc Lý)… Cùng với đó, Bác cũng khởi xướng phong trào thi đua có chiều sâu là “nêu gương người tốt việc tốt”. Năm 1968, Bác chỉ đạo Ban Tuyên giáo T.Ư có trách nhiệm tổ chức phong trào thi đua này. Do đó mới ra đời câu Bác hay nhắc: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Bác cũng đưa ra hình thức khen thưởng độc đáo là Huy hiệu Bác Hồ, thưởng cho những người có thành tích. Hàng ngày Bác đọc báo, rất chú ý đến bài viết phản ánh tấm gương cá nhân, tập thể điển hình và Bác khen thưởng. Điều đặc biệt là Bác đã hứa tặng thưởng là làm, không bao giờ thất hứa với tập thể và cá nhân nào. Vì thế mà phong trào thi đua có chiều sâu, thực sự phát hiện được những tấm gương tiêu biểu dưới sự khích lệ, động viên của Bác Hồ”- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.
Đồng thời nhận định, qua những câu chuyện nhỏ như thế để thấy, Bác chú trọng thi đua, nhưng không phải chỉ kêu gọi chung chung, “phát mà không động”, mà thi đua thực chất, đi vào chiều sâu và tạo ra động lực cả về vật chất và tinh thần xã hội. Thông qua thi đua để giáo dục con người, rèn rũa con người mới.
Đi vào mọi ngóc ngách của đời sống
Có thể nói, trong 75 năm qua, rất nhiều phong trào thi đua đã được phát động, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Những năm gần đây, quy mô thi đua rộng lớn hơn, đi sâu vào nhiều tầng lớp xã hội và có những thành tựu đáng ghi nhận.
Nhiều phong trào thi đua lớn đã được triển khai như "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”gắn với thi đua đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2021 – 2025; phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở"; đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp… Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều phong trào thi đua, điển hình như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo phong trào "Dân vận khéo", Bộ Giao thông vận tải phát động phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông được bắt đầu từ ngày 6/1/2023 đến hết ngày 6/2/2023; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát động phong trào thi đua "Tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công"; Bộ Thông tin và Truyền thông phát động phong trào thi đua "Toàn ngành thông tin và truyền thông tiếp tục thi đua đổi mới sáng tạo, đi đầu thực hiện chuyển đổi số để phát triển bền vững"…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, những điển hình tiên tiến, gương "Người tốt, việc tốt". Triển khai thực hiện Đề án "Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến" giai đoạn 2021-2025
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị: Đó là, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội hàng nghìn tỉ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, tác động lan toả trong cả nước, đến mọi tầng lớp Nhân dân.