80 năm cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thị trường bất động sản bấn loạn, tăng giá khó kiểm soát

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh mẽ tại nhiều khu vực, với tình trạng tăng giá khó kiểm soát. Đáng nói là thực tế thị trường lại chưa thực sự sôi động nhưng có dấu hiệu giao dịch ảo.

Chỉ số tăng giá “bất thường”

Thời gian gần đây, thị trường BĐS đã có những tín hiệu phục hồi tích cực, nhưng sự phân hóa về cơ cấu nguồn cung xảy ra cục bộ giữa các khu vực và DN cung ứng ngày càng lớn. Cụ thể, theo số liệu báo cáo thị trường từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong năm 2024 nguồn cung phân khúc nhà ở có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, trong tổng số 81.000 sản phẩm được chào bán thì miền Bắc chiếm tới 62,1%; miền Nam chiếm 24,2% và miền Trung chỉ có 13,5%.

Đồng thời, 62% nguồn cung nhà ở mới được đóng góp bởi những chủ đầu tư lớn và tổ chức đầu tư nước ngoài. Có thể kể đến như Capitalland, Masterise, MIK, Sungroup... Còn lại là nguồn cung từ những DN vừa và nhỏ chủ yếu phát triển dự án nhà ở giá rẻ hoặc trung cấp tại các khu vực vùng ven đô thị, nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn do nguồn vốn hạn chế, khó tiếp cận nguồn vốn vay...

Thị trường bất động sản Hà Nội tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua. Ảnh: Công Hùng

“Các chủ đầu tư lớn đang nắm giữ những quỹ đất có vị trí chiến lược vẫn đang không ngừng tìm kiếm cơ hội mở rộng quỹ đất ở những vùng đất tiềm năng. Điều đó đã tạo ra lợi thế, bởi với tiềm lực tài chính vững mạnh họ có thể triển khai những dự án quy mô lớn nằm trong diện được Nhà nước thực hiện thu hồi đất. Trong khi, DN vừa và nhỏ chỉ có thể triển khai dự án quy mô nhỏ và tự thoả thuận đền bù giải phóng mặt bằng, nên gặp rất nhiều khó khăn” - TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Đính, trong năm 2024 câu chuyện về tăng giá nhà ở một cách khó kiểm soát vẫn tiếp tục xảy ra. Khi thị trường căn hộ ở Hà Nội liên tục dẫn đầu tốc độ tăng trưởng về giá bán qua các kỳ, theo sau là TP Đà Nẵng. So với kỳ gốc, giá bán bình quân của các dự án trong tập mẫu tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh ghi nhận mức tăng lần lượt là 72,4% , 49,9% và 34,3%. Đáng quan ngại nhất là nhiều kỷ lục về đấu giá đất đã được xác lập, đỉnh điểm là việc đặt giá lên tới trên 30 tỷ đồng/m2 đất khu vực nông thôn tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội; nhưng hầu hết những người bỏ giá cao đều bỏ cọc sau đó.

“Nhìn nhận một cách khách quan, việc tăng giá nhà hay đặt cọc cao thể hiện sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường và kỳ vọng giá nhà, đất sẽ tiếp tục tăng khi quy hoạch đô thị, hạ tầng mở rộng. Nhưng đây cũng thể hiện tâm lý đầu cơ vì những quy định xử phạt vi phạm liên quan chưa cụ thể, đủ răn đe, gây thiệt hại cho công tác tổ chức các phiên đấu giá khi xảy ra tình trạng bỏ cọc, phải dừng phiên đấu giá; thị trường thì xác lập mặt bằng giá cao, gây ảnh hưởng đến cung - cầu trong thời gian tới. Về lâu dài sẽ gây tác động xấu tới vấn đề an sinh xã hội, người dân thu nhập thấp không còn cơ hội tiếp cận đất đai, nhà ở” - TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết thêm.

Cần can thiệp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ở các quốc gia trên thế giới, giá nhà trung bình cho người lao động không được cao quá 30 năm thu nhập của họ; nhưng có nghịch lý xảy ra ở Việt Nam khi giá nhà đã tương đương với 60 năm trung bình thu nhập của người dân. Do vậy, việc giá nhà tăng một cách “phi mã” trong thời gian qua là điều đáng buồn và khó chấp nhận.

“Nguồn cung ứng dòng tiền từ hệ thống ngân hàng hàng năm tăng từ 13 – 15%, như vậy lượng tiền đầu tư đổ vào thị trường là rất lớn, trong đó có BĐS. Nhiều ý kiến cho rằng nếu cải thiện được nguồn cung thì sẽ giúp cho giá nhà tăng chậm lại, nhưng tôi cho rằng việc giảm giá nhà ở thời điểm hiện tại là rất khó, nhưng nếu Chính phủ có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt khi đất nước bước vào “kỷ nguyên mới” để kéo giá nhà đi xuống, phục vụ nhu cầu về chỗ ở cho đại đa số người dân thì việc này có thể sẽ tiến triển tích cực hơn” - TS Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực -chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam đang có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc và còn nhiều dư địa để phát triển, bởi hiện nay thị trường đang “dư cầu”. Tuy nhiên, với những tồn tại, hạn chế và khó khăn trong thời gian qua, thị trường vẫn đang cần thêm thời gian để khắc phục; mặc dù mặt bằng lãi suất đã xuống mức rất thấp, nhưng do giá nhà neo thang, trong khi thu nhập thực tế của người dân vẫn thấp nên họ ngại vay một khoản tiền lớn để sở hữu nhà, cho dù nhiều chủ đầu tư đã đưa ra những chính sách kích cầu, ưu đãi...

“Lực cầu trên thị trường BĐS hiện này là rất lớn, nhưng do giá nhà đang ở ngưỡng cao nên người dân đã chọn cách trì hoãn việc mua nhà, để chờ đợi những động thái hỗ trợ khác từ Nhà nước để thị trường có những sản phẩm giá phải chăng. Tôi cho rằng, Nhà nước cần quyết liệt hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, đất đai; hệ thống ngân hàng cần cơ cấu lại một cách nhanh hơn, tốt hơn vấn đề về vốn và DN cũng phải đẩy mạnh tái cấu trúc và mở rộng thêm các kênh huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh hướng tới việc giảm giá chứ không phải tập trung tăng giá như gần đây” - TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Đồng thời, TS Cấn Văn Lực cũng kiến nghị Nhà nước, nhanh chóng triển khai gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội 100.000 tỷ đồng mà Bộ Xây dựng đã đề xuất mới đây. Bên cạnh đó, để giá BĐS phù hợp hơn với đại bộ phận người dân, Nhà nước cần có sự can thiệp quyết liệt hơn về giá, ví dụ giá bán nhà tăng vượt quá 20% theo quý thì Nhà nước phải nhanh chóng đưa ra chỉ đạo để bảo đảm ở mức phù hợp và ổn định.

 

Việc giá nhà tăng cao, bất thường nhất là tại các đô thị lớn là điều bất hợp lý, khiến người dân có nhu cầu ở thực khó có thể mua nhà, điều này khiến cho thị trường trở nên bất ổn trong giai đoạn đang nỗ lực phục hồi.

Vì vậy chính sách về thuế liên quan đến đất đai, nhà ở cần phải nhanh chóng hoàn thiện để đưa vào thực hiện càng sớm càng tốt, giải pháp này sẽ mang lại nhiều lợi ích, vừa hạn chế được tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường và thúc đầy nhu cầu sử dụng thay vì việc sở hữu nhiều nhà, đất rồi bỏ hoang, gây lãng phí.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XV

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Dòng tiền “rẽ sóng” bất động sản Hải Phòng

Dòng tiền “rẽ sóng” bất động sản Hải Phòng

26 Jul, 05:07 PM

Kinhtedothi - Hải Phòng không chỉ là "thủ phủ" công nghiệp - cảng biển, mà còn đang vươn mình trở thành điểm đến định cư, kinh doanh mới, với tâm điểm là các khu vực như Thủy Nguyên, Dương Kinh, Kiến Thụy... - những vùng đất đã và đang chứng kiến làn sóng đầu tư vào bất động sản từ các chủ đầu tư lớn trên thị trường.

“Đòn bẩy” triệt tiêu đầu cơ, lướt sóng

“Đòn bẩy” triệt tiêu đầu cơ, lướt sóng

25 Jul, 06:03 AM

Kinhtedothi - Đề xuất của Bộ Tài chính về việc đánh thuế 20% trên phần lãi thực tế khi giao dịch bất động sản (BĐS) đang được các chuyên gia đánh giá là bước cải cách tài khóa quan trọng và cần thiết. Đây không chỉ là giải pháp nhằm tối ưu hóa nguồn thu ngân sách, mà còn là công cụ hữu hiệu, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, lướt sóng, từ đó đưa thị trường BĐS phát triển theo hướng bền vững…

Khởi công Dự án Palmy Biztown tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội

Khởi công Dự án Palmy Biztown tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội

23 Jul, 03:09 PM

Kinhtedothi - Sáng 23/7, tại Hà Nội, Dự án Khu nhà thương mại liền kề HDB - Palmy Biztown tại phường Thanh Liệt chính thức làm Lễ động thổ khởi công. Dự án do Công ty CP Tập đoàn HDB Việt Nam làm chủ đầu tư và Reatimes Holding phát triển.

Không gian ngầm tạo động lực phát triển Thủ đô

Không gian ngầm tạo động lực phát triển Thủ đô

23 Jul, 06:20 AM

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp thứ 25 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành danh mục các công trình ngầm được khuyến khích đầu tư xây dựng trên địa bàn TP nhằm thi hành khoản 3 Điều 19 Luật Thủ đô năm 2024.

Đột phá chính sách cho thị trường bất động sản?

Đột phá chính sách cho thị trường bất động sản?

22 Jul, 05:55 AM

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) đang đối diện nhiều thách thức, việc đề xuất thành lập Trung tâm giao dịch nhà đất do Nhà nước quản lý đang được kỳ vọng như một bước đột phá chính sách. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, mô hình này cần đi kèm cơ chế vận hành đồng bộ, tránh hình thức hóa hoặc chồng chéo với hệ thống sẵn có.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ