Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường chưa dứt nỗi lo suy thoái kinh tế, chứng khoán Mỹ lại lao dốc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai trong ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần khi nhà đầu tư cân nhắc khả năng nền kinh tế lớn nhất thế rơi vào suy thoái.

Đóng cửa phiên ngày 16/5, chỉ số S&P 500 mất 0,39% xuống còn 4.008,01 điểm, sau khi giảm tới 0,99% ở đầu phiên. Ảnh: AP
Đóng cửa phiên ngày 16/5, chỉ số S&P 500 mất 0,39% xuống còn 4.008,01 điểm, sau khi giảm tới 0,99% ở đầu phiên. Ảnh: AP

Thị trường Phố Wall giao dịch giằng co trong phiên ngày 16/5. Chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số S&P 500 mất 0,39% xuống còn 4.008,01 điểm, sau khi giảm tới 0,99% ở đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1,2%, về mức 11.662,79 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 26,76 điểm, tương đương 0,08%, lên mức 32.223,42 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục là lực cản đối với sự phục hồi của thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần. Loạt cổ phiếu của các công ty điện toán đám mây giảm mạnh, như Datalog, Cloudflare và Atlassian giảm tương ứng 10,7%, 13,6% và 6,3%. Cổ phiếu của hãng xe điện Tesla tụt 5,9%.

Phiên giao dịch ảm đạm trên sàn Phố Wall diễn ra sau một tuần rung lắc mạnh do nhà đầu tư gia tăng lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ, chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang (FED), và lạm phát vẫn ở gần đỉnh của 40 năm. Tính đến tuần trước, Dow Jones ghi nhận 7 tuần giảm liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất của chỉ số kể từ năm 2001. Chỉ số S&P 500 cũng chứng kiến tuần giảm thứ 6 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2011.

Giám đốc đầu tư Bill Northey của US Bank Wealth Management nhận xét: “Thị trường đang tiếp tục trải qua một cuộc dịch chuyển, với lãi suất giữ vai trò nhân tố chi phối sự định giá lại các tài sản. Khi đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục đi lên do dự báo lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt lại, chúng ta đã và đang chứng kiến sự điều chỉnh nhất quán và trên diện rộng đối với việc định giá tài sản phù hợp với mối lo lạm phát đó”.

Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay, khi FED tăng lãi suất và rút lại chương trình mua tài sản để kiềm chế lạm phát. Vào đầu năm, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm còn ở mức khoảng 1,5%. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5, lãi suất này có thời điểm vọt qua ngưỡng 3%, trước khi giảm dưới mức 2,9% trong phiên ngày thứ Hai.

Cùng với đà tăng của lãi suất trái phiếu, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng rời khỏi mức cao kỷ lục. Dow Jones và S&P 500 hiện giảm tương ứng 12,8% và 16,8% so với đỉnh cao mọi thời đại thiết lập hồi tháng 1/2022. Nasdaq Composite đang chìm sâu trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống, giảm gần 28% so với kỷ lục thiết lập hồi tháng 11/2021.

Một số chuyên gia  kinh tế nhận định rằng với đà giảm mạnh như vậy, thị trường sắp mở ra những cơ hội hấp dẫn để mua vào, nếu xét đến triển vọng dài hạn. “Chỉ số S&P 500 đang giảm nhanh tới mức mà theo kinh nghiệm trong lịch sử, cho thấy các mối lo về triển vọng tăng trưởng trong tương lai đã được phản ánh đầy đủ vào giá cổ phiếu” - nhà phân tích Scott Chronert của Citibank đánh giá.

Trong khi đó, báo cáo công bố hôm 16/5 của RBC Capital Markets cho rằng S&P 500 đang “ở ngã ba đường” vì chưa thể tìm được mức đáy.

Năng lượng là nhóm cổ phiếu giữ vai trò trụ cột trong S&P 500 phiên này, với mức tăng 2,6%. Cổ phiếu Occidental Petroleum là mã năng lượng tăng mạnh nhất trong ngày thứ Hai khi cộng gần 5,7%. Trong khi đó, cổ phiếu Marathon Oil tăng 3,6%. Cổ phiếu năng lượng giao dịch khởi sắc khi giá dầu WTI nhảy vọt 3% nhờ dự báo rằng Trung Quốc có thể sẽ phục hồi sau suy thoái kinh tế do các đợt phong tỏa chống Covid-19.