Thị trường chứng khoán bị bán tháo trên khắp thế giới, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong năm 2018, trong khi đồng tiền của các thị trường mới nổi đồng loạt suy giảm.
Trước tình thế đó, nhà đầu tư đổ xô sang các kênh trú ẩn an toàn như trái phiếu Chính phủ Mỹ và trái phiếu Chính phủ Đức. Đồng euro giảm 1,2% xuống dưới 1,14 USD, mức thấp nhất trong 13 tháng.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tại thị trường Phố Wall mất gần 200 điểm và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 2,87%, thấp hơn so với mức gần 3% hồi đầu tuần này. Trái phiếu chính phủ được coi là kênh đầu tư an toàn hơn cổ phiếu
Cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán thế giới giảm đồng loạt trong phiên giao dịch ngày 10/8 khi các mối quan tâm địa chính trị đẩy đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ thấp kỷ lục so với USD và khiến các nhà đầu tư lo ngại.
|
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong ngày 10/8. |
Chứng khoán Mỹ nhuốm sắc đỏ trong phiên khi khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại Thổ Nhĩ Kỳ tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu ngân hàng và kích hoạt động thái rút khỏi các tài sản có rủi ro hơn, Reuters đưa tin.
Với phiên giảm điểm này, cả 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng có một tuần giảm điểm sau 5 tuần tăng liên tiếp. Tuy nhiên, S&P 500 hiện chỉ còn cách 1,4% từ đỉnh cao kỷ lục thiết lập vào hôm 26/1.
Tỷ giá đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ so với đồng USD có lúc lao dốc đến 17%, chạm mức thấp chưa từng có, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm từ quốc gia này.
Động thái của Tổng thống Mỹ xuất hiện sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan yêu cầu công dân “đổi đồng euro, USD và vàng mà bạn đang nắm giữ thành LIRA”, lưu ý đây là “cuộc đấu tranh quốc gia”.
Tổng thống Trump đã đe dọa từ tháng trước với “những lệnh trừng phạt lớn” vào Thổ Nhĩ Kỳ nếu Brunson không được thả.
Giới đầu tư tháo chạy sang các tài sản an toàn, đẩy tỷ giá đồng USD tăng mạnh và kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống.
Chiến lược gia trưởng Quincy Krosby thuộc Prudential Financial ở New Jersey nhận định: "Đây là một diễn biến rút lui khỏi rủi ro mang tính kinh điển. Bạn lo về thiệt hại ngoài dự tính. Bạn lo về ảnh hưởng từ châu Âu. Bạn lo về mất mát do cổ phiếu ngân hàng vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống".
Nhà chiến lược Krosby cũng lưu ý rằng các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể hành động để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ. “Về mặt lịch sử, bạn đã thấy các ngân hàng trung ương hành động để giảm bớt những tình huống này. Mục đích của họ là giảm thiểu thiệt hại tài sản thế chấp”.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 1,2%, trở thành nhân tố gây giảm điểm lớn nhất trong S&P 500 phiên này.
"Mỗi khi có biến động về tỷ giá các đồng tiền, các cổ phiếu tài chính thường có xu hướng hứng chịu rủi ro lan rộng", chuyên gia Jamie Cox thuộc Harris Financial Group ở Richmond, Virginia, cho biết.
Dữ liệu công bố ngày 10/8 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,2% trong tháng 7, phản ánh áp lực lạm phát tăng dần đều. Trong khi đó, “CPI lõi” đạt 2,4% trong tháng 7, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 9/2008. Cùng với những số liệu khả quan khác của kinh tế Mỹ gần đây, dữ liệu lạm phát giúp củng cố dự báo FED sẽ duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ.
Chốt phiên giao dịch, Dow Jones giảm 0,77%, còn 25.313,14 điểm. S&P 500 mất 0,71%, còn 2.833,28 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,67%, còn 7.839,11 điểm.
Tính chung cả tuần, Dow Jones mất 0,6%, S&P 500 giảm 0,3%, trong khi Nasdaq tăng 0,3% nhờ mức tăng mạnh của một số cổ phiếu công nghệ.
Các lo ngại về địa chính trị bao trùm khi Mỹ bị lôi kéo trong một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuần này, cả hai chính phủ đã công bố khả năng áp thuế đối với hàng hóa trị giá 16 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ số Stoxx 600 giảm 1,1%. Chỉ số Dax của Đức giảm gần 2% trong khi CAC 40 của Pháp giảm 1,63%.
|
Cổ phiếu tại thị trường chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong phiên 10/8. |
Các cổ phiếu ngân hàng châu Âu chịu áp lực lớn trong ngày 10/8, trong đó những nhà đầu tư lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ bị tác động mạnh nhất.
Thổ Nhĩ Kỳ đang bị mắc kẹt với các thị trường mới nổi khác, khi các ngân hàng trung ương lớn khác trên toàn cầu, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dần rời xa các chính sách tiền tệ nới lỏng và loại bỏ bớt thanh khoản ra khỏi nền kinh tế.
“Các rủi ro đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang rất lớn. Đây là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dòng vốn vào từ nước ngoài”, William Jackson, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Capital Economics ở London, cho hay.
Trái phiếu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị bán tháo, trong đó lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm tăng lên 24%, còn kỳ hạn 10 năm thì lên hơn 22%.
Đồng euro rơi xuống mức đáy năm 2018 so với đồng USD, khi nhà đầu tư lo ngại rắc rối tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ có thể lây lan, đồng thời buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải sử dụng các biện pháp khẩn cấp.