Thị trường dầu đối mặt khủng hoảng nguồn cung nghiêm trọng nhất hơn 1 thập kỷ

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung hơn 3 triệu thùng/ngày trong quý IV năm nay và đây là mức thâm hụt lớn nhất trong hơn một thập kỷ.

OPEC và IEA cảnh báo về nguồn cung

Theo hãng tin Bloomberg, dữ liệu do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới công bố cho thấy nguồn cung dầu mỏ thế giới có thể sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng trong quý IV khi nhu cầu tăng cao kỷ lục.

Thị trường dầu mỏ đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trong 3 tháng cuối năm nay. Ảnh: AP
Thị trường dầu mỏ đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trong 3 tháng cuối năm nay. Ảnh: AP

Trong khi đó, Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất OPEC, tuần trước thông báo sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay, mặc dù thị trường đang thắt chặt.

Báo cáo từ OPEC chỉ ra rằng dự trữ dầu thế giới đã cạn kiệt trong quý III, thậm chí còn giảm mạnh hơn khoảng 3,3 triệu thùng/ngày trong ba tháng tới. Nếu dự báo của OPEC trở thành hiện thực, đây có thể là đợt giảm tồn kho lớn nhất kể từ năm 2007.

Theo báo cáo của OPEC, 13 thành viên của nhóm đã bơm trung bình 27,4 triệu thùng/ngày trong quý III này, ít hơn khoảng 1,8 triệu thùng so với mức dự báo về nhu cầu của thị trường toàn cầu.

Nếu tổ chức này giữ sản lượng không thay đổi, khoảng cách giữa cung và cầu sẽ gần như tăng gấp đôi trong 3 tháng cuối năm. OPEC ước tính họ cần cung cấp 30,7 triệu thùng/ngày trong quý IV để đáp ứng nhu cầu.

Báo cáo mới nhất của OPEC cho thấy dự trữ dầu thô ở các nền kinh tế phát triển hiện thấp hơn khoảng 114 triệu thùng so với mức trung bình trong giai đoạn 2015-2019.

Theo kế hoạch, OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 26/11 tới để xem xét chính sách sản xuất cho năm tới.

Ngày 13/9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo việc Ả Rập Saudi và Nga cắt giảm sản lượng khai thác dầu sẽ gây thiếu hụt đáng kể nguồn cung dầu mỏ của thế giới cho đến cuối năm nay, làm tăng nguy cơ thị trường biến động hơn.

Báo cáo của IEA nêu rõ từ tháng 9 này, sản lượng khai thác sụt giảm của OPEC và các nước đối tác (OPEC+) sẽ khiến nguồn cung thiếu hụt đáng kể trong quý IV/2023.

Cơ quan này cho biết thêm dự trữ dầu sẽ ở mức thấp nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ xảy ra một đợt biến động khác không có lợi cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, trong bối cảnh môi trường kinh tế mong manh.

Bên cạnh đó, nhu cầu dầu tại Trung Quốc -  quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cho đến nay "vẫn không bị ảnh hưởng nhiều từ việc tăng trưởng kinh tế giảm tốc, theo báo cáo của IEA.

Giá dầu “neo” sát mức đỉnh trong 10 tháng

Giá dầu thế giới tiếp tục đi lên trong phiên ngày 13/8, trụ vững gần mức cao nhất trong 10 tháng đạt được ở phiên trước đó trong bối cảnh thị trường cân nhắc những lo ngại về nguồn cung từ Lybia và việc cắt giảm sản lượng của OPEC+.

Cụ thể, giá dầu Brent cộng 8 xu Mỹ (0,1%) lên 92,14 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 13 xu (0,2%) lên 88,97 USD/thùng. Giá 2 mặt hàng dầu chủ chốt này đã tăng gần 2% trong phiên ngày 12/9 lên gần mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Trong phiên ngày 13/9, giá dầu tiếp tục duy trì gần mức cao nhất trong 10 tháng . Ảnh: Oilprice
Trong phiên ngày 13/9, giá dầu tiếp tục duy trì gần mức cao nhất trong 10 tháng . Ảnh: Oilprice

Nhà phân tích hàng hóa Satoru Yoshida của Rakuten Securities cho biết, triển vọng nhu cầu tăng của OPEC và dự đoán của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) về sự sụt giảm lượng dầu trong các kho dự trữ toàn cầu đã củng cố quan điểm thị trường về việc nguồn cung thắt chặt trong tương lai.

Ông Yoshida lưu ý thêm rằng thông tin thành viên OPEC là Libya đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu phía đông do bão cũng hỗ trợ giá dầu trong phiên ngày 13/9.

Trước đó, trong báo cáo công bố hôm 12/9, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 và 2024, viện dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt hơn dự kiến bất chấp những trở ngại như lãi suất cao và lạm phát tăng nóng.

OPEC dự báo cầu dầu thô toàn cầu tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong 2024.

Tuần trước, Ả Rập Saudi và Nga đã gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.

Tờ Izvestia ngày 13/9 trích dẫn một cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Shulginov cho biết, sản lượng dầu của Nga được cho là giảm 1,5% xuống còn 527 triệu tấn (10,54 triệu thùng mỗi ngày) trong năm nay.

Trong khi đó, EIA cho hay dự trữ dầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm gần 500.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023, khiến giá dầu tăng, trong đó giá dầu Brent dự kiến giao dịch trung bình ở mức 93 USD/thùng trong quý IV/2023.