Thị trường dầu phản ứng sau thông báo bất ngờ của Nga, Ả Rập Saudi

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ả Rập Saudi ngày 3/7 cho biết nước này sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng mỗi ngày kể từ cuối tuần này. Ngay sau đó, Nga cũng tuyên bố sẽ cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 tới.

Các động thái này là biện pháp mới nhất được các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới thực hiện để ổn định giá cả trước những biến động của thị trường, là hậu quả kéo dài từ cuộc chiến ở Ukraine và sự phục hồi kinh tế đang chững lại của Trung Quốc.

Ả Rập Saudi, quốc gia dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hồi đầu tháng 6 đã quyết định cắt giảm thêm sản lượng với hy vọng thúc đẩy giá dầu. Hãng thông tấn chính thức của Vương quốc trích dẫn một nguồn tin từ Bộ Năng lượng ngày 4/7 đưa tin, việc cắt giảm tự nguyện mới nhất, sẽ có hiệu lực vào cuối tuần này và kéo dài đến tháng 8, "có thể được gia hạn" sau khoảng thời gian đó.

Cơ quan này cho biết thêm, quyết định mới nhất vẫn duy trì sản lượng Riyadh ở mức khoảng 9 triệu thùng/ngày.

Hồi tháng 4, một số thành viên OPEC+ đã quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng mỗi ngày, một quyết định bất ngờ đã hỗ trợ giá trong thời gian ngắn nhưng không dẫn đến sự gia tăng bền vững.

Ngay sau thông báo của Ả Rập Saudi hôm 3/7, Nga cho biết họ sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu thô 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 tới.

"Là một phần trong nỗ lực cân bằng thị trường, Nga sẽ tự nguyện cắt giảm 500.000 thùng giao hàng tới các thị trường dầu mỏ mỗi ngày trong tháng 8 bằng cách giảm xuất khẩu với số lượng này" - Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết.

Tuy nhiên, quyết định được công bố hôm 3/7 của Nga liên quan đến xuất khẩu chứ không phải sản xuất. Tháng 2 năm nay, Nga đã tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngày, một biện pháp mà nước này cho biết sẽ duy trì cho đến cuối năm 2024.

Thị trường đã có phản ứng sau thông báo mới nhất từ Riyadh và Moscow. Dầu thô Brent tăng 0,98% lên 76,15 USD/thùng, trong khi dầu tương đương của Mỹ, WTI, tăng 1,02% lên 71,36 USD/thùng, khác xa so với mức cao từng được ghi nhận vào tháng 3/2022 khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine (gần 140USD).

Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng các quyết định hôm 3/7 sẽ không tạo ra các tác động quá sâu sắc đối với giá dầu trong dài hạn. Chris Beauchamp, chiến lược gia tại IG, nêu quan điểm: "Đây là phản ứng tự động thông thường đối với thông báo cắt giảm sản lượng. Nhưng xét đến việc đây không phải là quyết định phối hợp của tất cả các thành viên OPEC+, khó để tin rằng đây là một động lực đẩy giá thực sự".

Kể từ đầu năm, dầu thô Brent đã giảm 11% và dầu WTI giảm 7%. Ả Rập Saudi - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - đang dựa vào giá dầu cao hơn để tài trợ cho một chương trình cải cách đầy tham vọng, có thể giúp nền kinh tế của nước này dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà phân tích ước tính rằng Vương quốc này cần giá dầu ở mức 80 USD/thùng để cân bằng ngân sách, cao hơn nhiều so với mức trung bình được ghi nhận trong những năm gần đây.

Về phần Nga, các biện pháp trừng phạt của phương Tây phần nào khiến Moscow phải bán dầu giảm giá cho các nước như Trung Quốc và Ấn Độ. Theo một báo cáo hồi tháng trước của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu xuất khẩu của Nga ước tính đã giảm 1,4 tỷ USD xuống còn 13,3 tỷ USD trong tháng 5/2023, giảm 36% so với một năm trước.

Kết hợp với việc cắt giảm trước đó, sản lượng của Nga trong tháng 8 sẽ giảm 1 triệu thùng/ngày. Nhưng Rystad Energy vào tháng 6 cho biết Moscow chỉ giảm sản lượng 400.000 thùng trong tháng 5, thay vì nửa triệu như đã hứa.