Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thị trường gọi xe Đông Nam Á sẽ thay đổi thế nào sau thương vụ Grab - Uber

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Grab mua lại mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á đã kết thúc cuộc chiến cạnh tranh tốn kém kéo dài từ năm 2013 tại thị trường 620 triệu dân.

Ngày 26/3, Uber chính thức đồng ý bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, bao gồm cả dịch vụ giao đồ ăn UberEats. Đổi lại, Uber sẽ có 27,5% cổ phần tại Grab và giám đốc điều hành của công ty này sẽ gia nhập HĐQT của Grab. 

Gọi cuộc cạnh tranh giữa 2 dịch vụ này là tốn kém bởi cả Grab và Uber đều được Ngân hàng Nhật Bản Softbank bỏ vốn đầu tư. "Ông lớn” ngân hàng Nhật Bản này chính là tác nhân chính thúc đẩy thương vụ hợp nhất giữa Grab và Uber. Softbank không chỉ đầu tư cho Uber, mà còn cho tất cả các đối thủ lớn nhất của Uber như Didi Chuxing ở Trung Quốc, ứng dụng gọi xe 99 tại Brazil, Ola ở Ấn Độ và Grab ở Đông Nam Á. Động thái hợp nhất này được cho là sẽ hỗ trợ kế hoạch dẫn đầu thị trường xe tự lái trong tương lai của Softbank.

 

Dự kiến, thị trường gọi xe ở khu vực sẽ đạt 20,1 tỷ USD vào năm 2025, dường như sẽ nằm gọn trong tay Grab sau thương vụ vừa rồi khi không còn đối thủ nặng ký nào. Hiện chỉ còn dịch vụ gọi xe tương tự là Go Jek của Indonesia nhưng cũng không được xem là đối thủ cạnh tranh xứng tầm.

Trước viễn cảnh này, giới chức Singapore đã bày tỏ quan ngại về mức độ minh bạch trong cơ chế tính giá của Grab một khi hãng này trở thành độc quyền tại Đông Nam Á. Trong một cuộc tranh luận tại nghị viện, Thứ trưởng Bộ Giao thông Singapore Ng Chee Meng nói rằng cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn sự độc quyền. "Rõ ràng rằng trong tương lai Grab hoàn toàn có thể tính những mức giá khác nhau cho những khách hàng khác nhau" - nhà kinh tế vận tải Singapore Walter Theseira nhận định.

Những khách hàng sử dụng dịch vụ của Uber và Grab có lẽ là những người chịu thiệt nhất sau khi Uber rút khỏi thị trường. Những chương trình khuyến mại sâu và liên tiếp sẽ không còn. Ông Darshan Singh Dhillon - Chủ tịch Hội người tiêu dùng Malaysia cho biết sau khi Grab thâu tóm Uber, những dịch vụ giá tương đối rẻ mà người Malaysia đang được hưởng sẽ trở nên đắt đỏ. Giới lái xe cũng có thể sẽ gặp khó khăn khi thị trường chỉ còn một công ty, họ sẽ chịu cảnh ở "chiếu dưới" trong đàm phán thu nhập do không có lựa chọn thay thế.

Tuy nhiên, điều này cũng đem lại tín hiệu tích cực khi có thể mở ra thêm dư địa cho các hãng taxi truyền thống vốn bị Grab, Uber lấn át bấy lâu nay. "Chính phủ cũng có thể hỗ trợ các hãng taxi và lái xe truyền thống bằng cách đào tạo họ thích nghi với những thay đổi và thúc đẩy phát triển công nghệ để cải thiện dịch vụ" - ông Darshan nói.

Trong khi đó, nhà kinh tế Firdaos Rosli của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (ISIS) cho rằng, hiện tại nhiều hãng taxi Đông Nam Á đã tung ra ứng dụng gọi xe để bắt kịp xu thế. "Nếu muốn cạnh tranh với Grab, họ cần phải làm nhiều hơn hoặc ít nhất là cung cấp những dịch vụ như Grab đang có" - Chủ tịch Hội người tiêu dùng Malaysia nhấn mạnh.