Thị trường M&A tại Việt Nam đầy triển vọng năm 2022

Đỗ Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các giao dịch mua bán & sát nhập (M&A) tại Việt Nam được dự báo sẽ sôi động trong 6 đến 12 tháng tới nhờ vào các chính sách và quy định hỗ trợ của Chính phủ.

Các giao dịch thương vụ mua bán & sáp nhập (M&A) tại Việt Nam và trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục nhộn nhịp vào năm 2022. Thị trường nội địa được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước, tạo nhiều triển vọng tích cực để các tập đoàn Việt Nam cạnh tranh hiệu quả trên quy mô lớn hơn.

Đây là những chia sẻ về triển vọng trong tương lai của ông Ong Tiong Hooi - Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch, kiêm Lãnh đạo ESG Dịch vụ Tư vấn thương vụ tại PwC Việt Nam. Ông cho biết để duy trì lợi thế cạnh tranh, các nhà giao dịch thương vụ nên đề phòng những yếu tố tiềm ẩn trong giao dịch như sự biến động của thị trường tài chính và nền kinh tế vĩ mô.

Theo báo cáo mới nhất của PwC về Các Xu hướng M&A Toàn cầu 2022 trong đó có thị trường Việt Nam, nối tiếp những con số ấn tượng của thị trường M&A năm 2021, các hoạt động này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, bất chấp các biến động thị trường. Báo cáo đã chỉ ra những lý do chính đằng sau sự lạc quan này, bao gồm: dòng giao dịch mạnh mẽ, nguồn vốn sẵn có dồi dào và nhu cầu tăng cao đối với các tài sản kỹ thuật số và dữ liệu.

Các CEO kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong năm tới. Ảnh: PwC
Các CEO kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong năm tới. Ảnh: PwC

Triển vọng tích cực năm 2022

Khi sự lạc quan về kinh tế vẫn ở mức cao, thị trường M&A toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022, với khối lượng và giá trị giao dịch tiếp tục phản ánh một thị trường sôi nổi cùng với nguồn vốn dồi dào, theo chuyên gia PwC dự báo.

Tuy nhiên, đại dịch đã gây ra nhiều gián đoạn đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời, dẫn đến nhiều rào cản về cơ cấu cũng như tài chính đối với các giao dịch trong năm 2022, bao gồm lãi suất cao, lạm phát tăng, thuế tăng và quy định ngày một thắt chặt hơn.

Dù vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dường như không nản lòng bởi các biến động kinh tế vĩ mô này. Theo kết quả từ Khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 25 của PwC cho thấy 77% các CEO kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong năm tới.

Hơn nữa, hơn 50% các CEO thể hiện sự lạc quan cao đối với tăng trưởng doanh thu trong doanh nghiệp của họ trong 12 tháng tới; đứng đầu là các CEO của các Quỹ đầu tư tư nhân (67%) và các công ty công nghệ (64%), vốn là hai lĩnh vực có khối lượng và giá trị giao dịch M&A cao nhất trong năm 2021.

2021 là năm kỷ lục cho hoạt động M&A

Nguồn: PwC
Nguồn: PwC

Năm 2021 đã ghi nhận tổng khối lượng và giá trị giao dịch thương vụ đạt mức kỷ lục. Tổng số thương vụ được công bố toàn cầu vượt ngưỡng 62,000, tăng 24% so với năm 2020. Giá trị thương vụ được công bố đạt mức 5.1 nghìn tỷ USD, bao gồm 130 giao dịch quy mô lớn (megadeal) trị giá hơn 5 tỷ USD, cao hơn 57% so với năm 2020 và vượt kỷ lục 4.2 nghìn USD của năm 2007.

Hoạt động M&A năm qua được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nhu cầu tăng cao đối với công nghệ, các tài sản kỹ thuật số và dữ liệu, cũng như sức cầu bùng nổ đã bị dồn nén bấy lâu trong năm 2020. Giao dịch thương vụ đã ghi nhận kết quả kỷ lục trong năm 2021 tại mọi khu vực trên thế giới, một lần nữa khẳng định sự vực dậy của nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận tổng khối lượng giao dịch tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Quỹ đầu tư tư nhân tiếp tục ghi nhận tần suất và giá trị giao dịch cao. Gần 40% các giao dịch trong năm 2021 có liên quan đến các quỹ này, tăng mạnh so với chỉ hơn 25% cho 5 năm về trước. Ngoài ra, các quỹ đầu tư tư nhân cũng đã tham gia vào các thương vụ mang giá trị cao hơn, chiếm 45% trong tổng giá trị giao dịch năm 2021, so với chỉ 30% trong 5 năm qua.

Hướng tới năm 2022, các quỹ đầu tư tư nhân đã và đang tăng cường năng lực giao dịch của mình. Tổng nguồn vốn của các quỹ tư nhân toàn cầu đạt 2.3 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2021, cao hơn 14% so với đầu năm - mang lại nguồn động lực lớn thúc đẩy các hoạt động M&A trong năm 2022. Tuy nhiên, thách thức dành cho các quỹ này chính là tìm ra phương pháp đem lại giá trị trước áp lực về lãi suất và hệ số tăng cao, cùng với những áp lực liên quan đến ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).

Xu hướng chính trong thị trường M&A: Thoái vốn và ESG

ESG là cơ hội vàng để kiến tạo giá trị. Ảnh: PwC
ESG là cơ hội vàng để kiến tạo giá trị. Ảnh: PwC

Về phía doanh nghiệp, PwC kỳ vọng việc chuyển đổi mang tính chiến lược sang các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, sáng tạo và đột phá sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình ra quyết định M&A. Trong điều kiện thị trường toàn cầu đòi hỏi tư duy tạo ra giá trị, các CEO có khả năng sẽ tập trung vào việc thoái vốn nhằm cân bằng danh mục đầu tư, đảm bảo tăng trưởng và sinh lời trong dài hạn.

ESG cũng sẽ ngày càng ảnh hưởng đến chiến lược M&A trong năm 2022 khi các nhà đầu tư sử dụng các tiêu chí này để đánh giá rủi ro và xác định các cơ hội kiến tạo giá trị. Với cam kết về giảm phát thải carbon của nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư tư nhân, chúng tôi dự đoán nguồn vốn gia tăng sẽ được huy động đầu tư cho quá trình chuyển đổi sang những nguồn năng lượng xanh, tạo cơ hội cho hoạt động M&A sôi nổi trong lĩnh vực này.

Ông Ong Tiong Hooi nhận xét về tầm quan trọng của ESG: “Để đáp ứng yêu cầu gia tăng từ các nhà đầu tư và khách hàng, các yếu tố ESG đang rất được coi trọng trong các chương trình nghị sự của hội đồng quản trị. Doanh nghiệp hiện nay xem ESG là cơ hội vàng để kiến tạo giá trị.”

Ông cho biết, trong những năm gần đây, nhiều công ty niêm yết Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ về ESG, chú trọng vào việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Không có gì ngạc nhiên khi M&A sẽ được sử dụng để tái cân bằng danh mục đầu tư. Các công ty có giá trị bền vững mạnh mẽ cùng các sáng kiến ESG thiết thực sẽ được tiếp cận với nguồn vốn chất lượng hơn.

Valid: True