IEA cho rằng giá “vàng đen” toàn cầu vẫn đối mặt sức ép đi xuống dù triển vọng nhu cầu tại thị trường Trung Quốc tăng cao trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu đang khan hiếm.
Cầu sẽ vượt cung lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022
Những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng sau sự sụp đổ của một số nhà băng Mỹ và châu Âu đã khiến các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro cao hơn, chẳng hạn như dầu mỏ.
Giá dầu liên tục lao dốc bất chấp một số thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi chung là OPEC+ tự nguyện cắt giảm sản lượng từ đầu tháng 4.
Tuần qua, giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Trong phiên giao dịch ngày 17/5, giá “vàng đen” tiếp tục đi xuống khi dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng, làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu suy yếu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, giá dầu Brent sụt 0,7%, xuống còn 74,42 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 0,8%, về mức 70,84 USD/thùng.
Diễn biến này khiến các nhà phân tích hạ thấp triển vọng giá dầu đạt mức 100 USD/thùng vào cuối năm nay.
Trong báo cáo mới nhất, IEA nhận định, những mối lo dai dẳng về “hoạt động công nghiệp bị đình trệ và lãi suất cao hơn làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế và lo ngại về triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ”.
Theo IEA, đà lao dốc của giá dầu trong thời gian gần đây phản ánh sự rạn nứt ngày càng tăng giữa tâm lý nhà đầu tư và bức tranh cung-cầu thắt chặt hơn. "Tâm lý bi quan trên thị trường dầu toàn cầu hiện nay hoàn toàn trái ngược với kịch bản mất cân bằng về cung cầu trong 6 tháng cuối năm, khi nhu cầu dự kiến sẽ vượt cung gần 2 triệu thùng/ngày" - báo cáo của IEA nêu rõ.
Cơ quan có trụ sở tại Paris (Pháp) cũng điều chỉnh dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng khoảng 200.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, lên mức 102 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Theo IEA, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022, nhu cầu dầu mỏ sẽ bắt đầu vượt cung kể từ quý II này, với mức thâm hụt sẽ tăng lên gần 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2023. Trong đó, Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ chiếm gần 60% tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay, sau khi mức tiêu thụ của Bắc Kinh lập kỷ lục 16 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
IEA nhấn mạnh: "Nhu cầu dầu mỏ kỷ lục ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông vào đầu năm đã bù đắp cho hoạt động công nghiệp mờ nhạt và việc sử dụng dầu mỏ ở các nước OECD".
Trước đó, nhóm OPEC+ không đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong báo cáo thị trường dầu được OPEC công bố hôm 11/5, tổ chức này nhận định rằng "trong tương lai, nhu cầu đối với hầu hết các sản phẩm ở Trung Quốc đang tăng lên", khi nhu cầu dầu mỏ quý II/2023 của nước này dự kiến tăng 1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.
OPEC+ có thể không cắt giảm thêm sản lượng
Bộ trưởng Dầu mỏ Hayan Abdel-Ghani cho biết Iraq không kỳ vọng nhóm OPEC+ sẽ cắt giảm thêm sản lượng dầu tại cuộc họp chính sách vào tháng 6 tới.
“Tại cuộc họp chính sách từ ngày 3-4/6, chúng tôi hy vọng OPEC+ sẽ không có thêm quyết định cắt giảm nguồn cung dầu mỏ. Đặc biệt, Iraq không thể cắt giảm thêm sản lượng nữa. Lần cắt giảm thứ hai là tự nguyện và nó đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc ổn định thị trường” - ông Abdel-Ghani cho biết khi trả lời phỏng vấn Reuter hồi tuần trước.
Liên minh OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng vào cuối năm ngoái để hỗ trợ thị trường khi triển vọng kinh tế xấu đi, tác động tiêu cực đến giá dầu thô. Sau đó, trong một động thái bất ngờ vào đầu tháng 4 vừa qua, Ả Rập Saudi và các thành viên OPEC+ khác đã tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thêm 1,6 triệu thùng/ngày.
Thông báo này đã giúp đẩy giá dầu tăng mạnh, nhưng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đã không thể giúp dầu thô tăng giá.
Theo kế hoạch, liên minh dầu mỏ do Ả Rập Saudi và Nga đứng đầu sẽ có cuộc họp chính sách sản xuất dầu mỏ vào đầu tháng tới.