Vắng khách trong mùa xây dựng
Những tháng cuối năm thường là thời điểm các chủ đại lý kinh doanh VLXD trên địa bàn TP tất bật bởi tràn ngập đơn hàng. Tuy nhiên, hiện tại dọc những con đường như Hoàng Quốc Việt, Kim Ngưu, Đê La Thành... vẫn trong tình trạng đìu hiu không có khách.
Tại showroom Song Anh, chuyên cung cấp thiết bị vệ sinh trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) gần như cả ngày không có khách tới xem, sức tiêu thụ gần như chỉ khoảng 10% so với trước đây. "Thỉnh thoảng cũng có khách tới hỏi giá, mặc dù cửa hàng đã tư vấn chương trình khuyến mại, có những sản phẩm giảm đến 30% nhưng họ chỉ xem qua rồi đi" - bà Lý Thục Anh, chủ showroom chia sẻ.
Ghi nhận thị trường cho thấy, nhiều đại lý thiết bị vệ sinh đã triển khai các chương trình khuyến mại từ giữa tháng 10/2022 với hàng loạt ưu đãi như giảm giá sâu, chiết khấu cao, bán theo bộ... với mức trung bình chỉ từ 6 triệu đồng là khách hàng có đầy đủ từ lavabo, chậu rửa mặt, vòi hoa sen.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn - chủ đại lý chuyên cung cấp VLXD ở đường Kim Ngưu (quận Hoàng Mai) cho biết, cửa hàng đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm đến 50% giá bán để "dọn" kho nhưng rất khó tiêu thụ. "Chúng tôi treo băng rôn giảm giá nhiều mặt hàng, song vẫn ế ẩm, kho thì chất đống. Trong khi thời điểm này hàng năm, người dân gọi điện, đến mua hàng nườm nượp để kịp hoàn thiện nhà đón Tết" - anh Tuấn thở dài.
Cầm cự trước khó khăn chung
Ở góc độ DN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hoa Việt Nguyễn Văn Phan chia sẻ, công ty phải cắt giảm nhân sự, nguồn lao động, thu hẹp sản xuất, cố gắng tiết giảm chi phí... "Rất nhiều đối tác của chúng tôi từ ngành gỗ tới may mặc đều giảm sức mua các sản phẩm, thậm chí tạm dừng nhập hàng" - ông Nguyễn Văn Phan chia sẻ.
Không chỉ các đại lý bán VLXD đang trong tình trạng kinh doanh ảm đạm, mà nhiều DN xây dựng cũng chịu áp lực dòng tiền. Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật và Giải pháp công trình IPSPRO Bùi Văn Dũng nhận định, chính sách thắt chặt tiền tệ khiến các chủ đầu tư khó khăn, dẫn đến dự án đang triển khai ở mức độ cầm chừng. Nhiều dự án trong kế hoạch đấu thầu cũng dừng lại. "Giá thép giảm cùng các loại VLXD khác có nhiều khuyến mại với DN là tin rất vui. Nhưng nhu cầu xây nhà, hoàn thiện nội thất rất ít" - ông Bùi Văn Dũng chia sẻ.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá, tăng trưởng trong thời gian tới tiếp tục gặp thách thức khi các dự án bất động sản thương mại bị tạm ngừng thi công. Theo thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng, DN lúc nào cũng phải trong tâm thế có sức đề kháng tốt, dự phòng những rủi ro có thể gặp phải. Ví dụ như ngành thép hay gỗ sẽ phải đối mặt với các biện pháp chống bán phá giá khi xuất khẩu.
"Hàng loạt yếu tố bất lợi với kinh tế toàn cầu như xung đột Nga – Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng... nhu cầu thấp, nhiều DN không có dự án để làm. Để có thể vượt qua khó khăn, các cấp, ngành chức năng cần phải có kế sách hỗ trợ sâu hơn. Không những thế, các DN lĩnh vực VLXD cũng phải xây dựng kế hoạch có tầm nhìn dài hạn mới có thể vượt qua lúc khó khăn này" - ông Lê Sơn Tùng nhận định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,39% so với tháng trước do giá xăng, dầu trong nước điều chỉnh theo giá thế giới, giá thuê nhà và VLXD tăng do nhu cầu tăng cao dịp cuối năm. Giá sắt, thép, xi măng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào đã khiến chỉ số nhóm nhà ở và VLXD trong tháng 11/2022 tăng 6,43% so với đầu năm.