Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu sản phẩm đặc trưng, du lịch Tây Nam bộ khó hút khách

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các tỉnh Tây Nam bộ muốn thu hút khách đòi hỏi mỗi địa phương phải có được sản phẩm du lịch đặc trưng riêng. Đó là ý kiến của các DN và Sở Du lịch Hà Nội tại buổi trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch với Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre.

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch

Thông tin từ Sở VHTT&DL Vĩnh Long cho thấy năm 2022, tổng lượt khách đến Vĩnh Long ước đạt 1 triệu lượt (tăng 150% so với cùng kỳ năm 2021). Để đạt được kết quả này, tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Long tới du khách thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền Vĩnh Long là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Tương tự trong năm 2022, ngành du lịch Bến Tre cũng đón hơn 1 triệu lượt khách trong nước, quốc tế ( tăng 307% so với cùng kỳ năm 2021); công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú đạt từ 80-90%.

Khách du lịch tại Út Trinh homestay huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tại Út Trinh homestay huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Hoài Nam

Tổng Giám đốc Forever Green Resort (Bến Tre) Trương Thị Nhi cho biết, nhằm thu hút du khách, khu Resort Forever Green ngoài việc cung cấp các dịch vụ theo tiêu chuẩn 4 sao, còn tạo nên sự khác biệt thông qua đa dạng dịch vụ giải trí như: câu cá, hái trái cây, trò chơi dân gian, đốt lửa trại, khám phá làng quê… Nhờ đó, mỗi tháng, Forever Green Resort đón 1000 lượt du khách lưu trú.

Những năm qua, nhiều nhà vườn, nông dân tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư các mô hình du lịch cộng đồng, homestay, từ đó, thu hút du khách. Nói tới mô hình homestay, nhiều khách du lịch nhắc đến Út Trinh homestay ở xã Hoà Ninh, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Chủ cơ sở Út Trinh homestay Phạm Thị Ngọc Trinh chia sẻ, để níu chân khách du lịch, cơ sở đã để giúp khách hòa mình không khí gia đình, được tham gia chế biến món ăn Nam Bộ với chủ nhà, hoà tiếng hát chung vui với các nghệ nhân đờn ca tài tử. Thông qua việc đón tiếp khách như người thân trong nhà, trung bình mỗi năm, homestay đón trên 100.000 lượt khách, đa phần là khách quốc tế. Đặc biệt nhờ áp dụng tốt các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn ASEAN, năm 2017 Út Trinh homestay được trao giải thưởng Homestay ASEAN.

Du khách thăm quan làng hoa cảnh Chợ Lách (Bến Tre). Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan làng hoa cảnh Chợ Lách (Bến Tre). Ảnh: Hoài Nam

Thành công bước đầu của một số tỉnh miền Tây Nam Bộ trong việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng, làng nghề đã góp phần tăng thu nhập cho các hộ tham gia làm du lịch, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Cần sản phẩm đặc trưng từng địa phương

Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch, tuy nhiên, hiện chỉ số lưu trú của du khách ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ còn thấp. Nguyên nhân là bởi sản phẩm du lịch ở một số địa phương còn trùng lặp, đơn điệu, dễ gây cảm giác nhàm chán cho du khách. Các dịch vụ vui chơi giải trí tại một số địa phương chưa được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất ở mức sơ khai. Do vậy, mức độ “lôi kéo” du khách kéo dài thời gian lưu trú thấp dẫn đến tổng thu từ du khách không cao, thị trường khách du lịch thiếu ổn định.

Khách du lịch tham quan làng nghề đan rổ, rá tại huyện Mang Thít (Vĩnh Long). Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch tham quan làng nghề đan rổ, rá tại huyện Mang Thít (Vĩnh Long). Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc công ty Du lịch Mỹ Phúc Happy Travel Trần Thị Hạnh và các DN du lịch Hà Nội có chung ý kiến, mặc dù các tỉnh miền Tây Nam Bộ có khí hậu ôn hòa, rất cuốn hút khách du lịch nước ngoài, nhất là những du khách đến từ xứ lạnh nhưng cách khai thác du lịch của vùng này hầu như không có gì nổi bật. Chưa có sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương để lại ấn tượng cho du khách có thể quay lại vào những kỳ nghỉ tiếp theo.

Đại diện CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, đa phần các đơn vị, hộ gia đình tổ chức hoạt động du lịch chưa chuyên nghiệp; Còn lúng túng trong quản lý, vận hành, khai thác tiềm năng, chưa chú trọng việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, cơ sở vật chất chưa đủ diều kiện cơ bản để đón khách du lịch ở mức đơn giản.

Du khách thăm quan làng hoa cảnh Chợ Lách (Bến Tre). Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan làng hoa cảnh Chợ Lách (Bến Tre). Ảnh: Hoài Nam

Để khắc phục khó khăn này Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung kiến nghị, thời gian tới Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch tổ chức những lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các hộ dân các tỉnh miễn Tây Nam Bộ tham gia phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái... Riêng với TP Hà Nội, du lịch Tây Nam Bộ mong muốn Hà Nội và các tỉnh miền Tây Nam Bộ đẩy mạnh kết nối xây dựng tour, tuyến du lịch trao đổi khách. Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội truyền đạt kinh nghiệm xây dựng, khai thác tiềm năng du lịch địa phương, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua việc tổ chức các buổi hội thảo, lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch.

Hiến kế giúp du lịch các tỉnh miền Tây Nam Bộ thu hút khách, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Cương nêu rõ, các tỉnh cần xây dựng tour, điểm du lịch chuyên biệt, sản phẩm đặc trưng của riêng từng địa phương. “Chẳng hạn tỉnh Bến Tre nên đẩy mạnh khai thác các loại hình dịch vụ, di tích lịch sử văn hóa,  các giá trị ẩm thực chế biến từ dừa trong phục vụ du khách. Đặc biệt là cần khai thác hiệu quả giá trị, hình ảnh cây dừa trong văn hóa và du lịch xứ dừa - Bến Tre qua đó định vị thương hiệu của địa phương”- ông Cương nêu ví dụ.

Nhằm hỗ trợ các tỉnh miền Tây Nam Bộ nâng cao chất lượng du lịch, thu hút du khách, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh khẳng định, thời gian tới đơn vị sẽ song hành với các tỉnh Tây Nam Bộ trong việc đào tạo, tập huấn về xây dựng sản phẩm, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng quản lý điểm đến. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến tuyên truyền các điểm du lịch của miền Tây Nam Bộ tới doanh nghiệp lữ hành Thủ đô, qua đó, hỗ trợ các tỉnh này thu hút du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề.