Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu tuyên truyền khó nâng tầm hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một kênh quan trọng hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa, thế nhưng DN và chính quyền một số địa phương chưa chú trọng tuyên truyền, quảng bá hàng Việt tới người tiêu dùng (NTD).

Chưa chú trọng truyền thông

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, sức mua các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc những năm trước khá cao, nhưng NTD hiện đang quay lưng, không sử dụng hoa quả không rõ xuất xứ, đặc biệt là của Trung Quốc. Tuy nhiên, một nghịch lý đáng buồn là khi NTD tìm mua hàng nông sản trong nước thì DN thiếu truyền thông nên NTD không biết đến thương hiệu sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Huế, nhà E5 Thành Công cho biết: Mãi đến năm 2014, tại chợ Thành Công, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức Tuần lễ cam Cao Phong (Hòa Bình), tôi mới biết ngoài cam Xã Đoài, Bố Hạ, Vinh còn có cam Cao Phong chất lượng không hề thua kém các loại cam đang bán trên thị trường.
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại hội chợ do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: Chiến Công
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại hội chợ do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: Chiến Công
Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: MTTQ TP vừa thực hiện cuộc điều tra dư luận xã hội về CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết quả đáng buồn là chỉ có 41,2% NTD biết đến thông tin về CVĐ. “Nguyên nhân là do số lượng DN quảng bá sản phẩm không nhiều nên NTD thiếu thông tin về sản phẩm, vì vậy hàng Việt chưa tạo được sức mua trong các phiên chợ hàng Việt” - ông Phú nêu rõ. Chia sẻ về quá trình triển khai CVĐ trên địa bàn Hà Nội, bà Lê Thị Kim Oanh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo của TP cho biết: Bên cạnh việc một số DN chưa quan tâm tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm, một số quận, huyện trong quá trình truyền thông về CVĐ chỉ mang tính phong trào, đối phó làm chiếu lệ…, nên tác động và sức lan tỏa về CVĐ tới NTD không đạt kết quả như mong muốn. “Nhiều nơi, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên một số người dân nhầm lẫn về các chương trình hội chợ hàng Việt Nam với chương trình hội chợ thương mại (có cả hàng nội và hàng ngoại) dẫn đến thắc mắc tại sao hội chợ hàng Việt có cả hàng Trung Quốc, Thái Lan” - bà Oanh nêu rõ.

Chung tay gỡ khó

Để hàng Việt được NTD tín nhiệm, hoạt động thông tin quảng bá sản phẩm là điều cần thiết. Theo ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Hapro: Muốn hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong cộng đồng dân cư, các DN sản xuất không chỉ phải cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, mà cần nắm bắt tâm lý, thị hiếu của NTD, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp với từng phân khúc thị trường. Nhưng quan trọng hơn cả, UBND các cấp cần đẩy mạnh phối hợp với DN trong việc tuyên truyền, hoạt động này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. “Bên cạnh sự cố gắng của các DN, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hỗ trợ hàng Việt trong việc tiêu thụ, quảng bá trong hệ thống bán lẻ hiện đại và truyền thống... Ngoài ra, UBND các cấp vận động các hộ kinh doanh nhỏ liên kết với DN sản xuất, phân phối trong việc quảng bá, tiêu thụ hàng Việt tại hệ thống chợ truyền thống địa phương” - ông Vượng kiến nghị.

Tại Hội nghị tuyên truyền về kết quả và giải pháp trọng tâm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới đây, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư CVĐ Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định: Để hàng Việt giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập, các DN, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền về CVĐ, hàng Việt Nam tới người dân. Đồng thời tôn vinh, bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, qua đó giới thiệu hàng Việt đến với NTD.