RT dẫn thông tin khả năng thỏa thuận petrodollar giữa Washington-Riyadh - vốn là chìa khóa thành công của đồng USD sẽ hết hạn trong thời gian tới.
Theo Henry Johnston, biên tập viên kỳ cựu về tài chính của RT, một thỏa thuận chính thức đã được ký giữa Mỹ và Ả Rập Saudi vào tháng 6/1974 và một thỏa thuận bí mật khác đạt được vào cuối năm đó, theo đó Ả Rập Saudi được cam kết viện trợ quân sự để đổi lấy việc Riyadh định giá dầu xuất khẩu độc quyền bằng USD và đầu tư doanh thu từ dầu vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Thỏa thuận này không mang tính chính thức và không có ngày hết hạn.
Theo RT, về bản chất, thỏa thuận này ám chỉ một sự hỗ trợ ngầm về dầu mỏ đối với đồng USD sẽ được duy trì. Khi Mỹ từ bỏ chế độ neo giá vàng bằng đồng USD vào năm 1971, chấm dứt thỏa thuận Bretton Woods, hệ thống tài chính quốc tế rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Sau đó là một thời kỳ chứng kiến lạm phát cao và những điều chỉnh lớn về tiền tệ thả nổi tự do khiến đồng USD mất giá. Vào mùa Hè năm 1973, đồng bạc xanh đã mất 1/5 giá trị so với các loại tiền tệ chính khác.
Điều này lẽ ra đã đánh dấu sự kết thúc của hai thập kỷ rưỡi thống trị của đồng USD thời hậu chiến. Tuy nhiên, vai trò của đồng bạc xanh là tiền tệ dự trữ và công cụ thương mại chính ngày càng mở rộng. Lý do là Mỹ đã thành công trong việc lèo lái hoạt động buôn bán dầu mỏ sang đồng bạc xanh, bắt đầu với Ả Rập Saudi vào năm 1974 và ngay sau đó đã mở rộng sang toàn bộ OPEC. Điều này đã thiết lập một sự hỗ trợ hàng hóa trên thực tế cho USD, do thị trường dầu lớn hơn nhiều so với thị trường vàng nên lợi ích mang lại cho đồng tiền này càng lớn hơn.
Mặt khác, đồng USD từ chỗ được gắn với vàng dưới thời Bretton Woods đã chuyển sang được hỗ trợ không chính thức bằng dầu mỏ. Sau cú sốc năm 1973-1974, dầu được giao dịch ở mức ổn định đáng kể khoảng 15-30 USD/thùng trong 30 năm tiếp theo. Sự ổn định đáng chú ý này phần lớn do thành công của thỏa thuận petrodollar.
Cần lưu ý rằng giá dầu đã giảm mạnh trong năm 2009, đồng USD đã mạnh lên (ngược lại) trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giá dầu cũng giảm mạnh trong năm 2014-2016 trong bối cảnh bùng nổ đá phiến. Phần lớn trong giai đoạn 2010-2020, USD đã rơi vào một phạm vi mới (mặc dù cao hơn) so với dầu, khôi phục mối quan hệ đồng USD-năng lượng trước đây.
Bắt đầu từ giữa những năm 2000 với những biến động của giá dầu, lời hứa ngầm về hệ thống petrodollar đã bắt đầu tan vỡ.
Trong những năm tiếp theo, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã thể hiện rõ mong muốn có thể mua dầu bằng đồng nội tệ. Họ cũng đã cắt giảm việc mua trái phiếu Kho bạc Mỹ và mua vàng với tốc độ chóng mặt.
Nhiều người giải thích những động thái này thể hiện mong muốn của Bắc Kinh làm suy yếu thế giới đơn cực do Mỹ dẫn dắt. Tuy nhiên, điều quan trọng là đối với Trung Quốc, những người bán khống dầu và mua trái phiếu kho bạc Mỹ, đây là vấn đề an ninh quốc gia. Trung Quốc đã giới thiệu các hợp đồng dầu giá bằng đồng Nhân dân tệ vào năm 2018 như một phần trong nỗ lực giúp đồng tiền của nước này có thể giao dịch trên toàn cầu.
Dù điều này ban đầu không ảnh hưởng nhiều đến sự thống trị của đồng USD trên thị trường dầu mỏ, nhưng cho thấy Bắc Kinh đang hướng tới đâu. Điều khiến chiếc kim chuyển động là cuộc xung đột ở Ukraine.
Với việc Moscow bị hạn chế bởi các biện pháp trừng phạt ở những nơi có thể tiếp thị dầu, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể việc mua dầu thô giảm giá của Nga, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Nhà phân tích Zoltan Pozsar gọi sự phát triển này là “hoàng hôn đối với petrodollar… và bình minh đối với petroyuan”.
Nhóm BRICS nói chung có mục tiêu tăng cường giao dịch bằng đồng tiền riêng. Ấn Độ, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, đã trở thành nước mua dầu thô bằng đường biển lớn nhất của Nga kể từ năm 2022, thanh toán cho dầu thô của Nga bằng đồng rupee, dirham và Nhân dân tệ.
Vào tháng 1/2023, Ả Rập Saudi thậm chí còn công khai tuyên bố sẵn sàng bán dầu bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD. Vào tháng 11 năm đó, nước này đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc - tiền đề chắc chắn cho kế hoạch kinh doanh trong tương lai bằng NDT.
Trong lịch sử, thỏa thuận petrodollar rất có lợi cho Ả Rập Saudi và họ chưa hề tỏ ra háo hức muốn từ bỏ. Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi và Riyadh dường như cảm nhận được điều đó. Một thỏa thuận sẽ khó bền vững được nếu chỉ dựa trên sức mạnh quân sự và các thỏa thuận hậu trường của riêng các nhóm ngoại giao.
Nếu USD không được gắn với vàng và không được hỗ trợ hoàn toàn bởi dầu mỏ, mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại cho các nguồn tài nguyên quan trọng sẽ khó có thể hoàn thành. Một hệ thống cố thủ sâu sắc như petrodollar sẽ không biến mất chỉ sau một đêm, nhưng nền tảng của thỏa thuận này dễ bị xói mòn.