Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thỏa thuận giảm sốc sản lượng của OPEC+ có hiệu lực, giá dầu tăng tốc phục hồi

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” duy trì đà tăng trong phiên giao dịch ngày 1/5 nhờ được hỗ trợ từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất bắt đầu có hiệu lực.

Giá dầu nới rộng đà phục hồi mạnh trong phiên giao dịch trước đó, sau báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ tăng ít hơn dự kiến và thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn gọi là OPEC+, chính thức có hiệu lực.
Giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong phiên 1/5.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 7, bắt đầu giao dịch từ ngày 1/5, tăng 34 xu Mỹ, tương đương 1,3%, lên mức 26,82 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã tăng 12% trong phiên giao dịch ngày 30/4 và leo dốc khoảng 11% trong tháng 4. Tuy nhiên, giá mặt hàng dầu này đã sụt khoảng 60% trong quý I/2020 do chịu tác động từ đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 6 nhích 70 xu Mỹ, tương đương 3,7%, lên mức 19,54 USD/thùng, sau khi tăng vọt tới 25% trong phiên trước đó. Giá dầu ngọt nhẹ WTI sụt 12% trong tháng 4 và ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp và đã lao dốc 70% kể từ đầu năm đến nay.
Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 9 triệu thùng trong tuần trước lên 527,6 triệu thùng, ít hơn so với dự báo tăng 10,6 triệu thùng của các nhà phân tích của hãng tin Reuters.
“Đây là tuần thứ hai liên tiếp chứng kiến lượng dự trữ dầu của Mỹ sụt giảm, cho thấy mức tồn kho dầu của Mỹ đã chạm đáy” - ông Stephen Innes, chiến lược gia trưởng thị trường tại AxiCorp cho biết.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác hỗ trợ đáng kể cho thị trường nhiên liệu trong phiên giao dịch ngày 1/5 là thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày của OPEC+ bắt đầu có hiệu lực chính thức.
Việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ được thực hiện trong nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng dư cung toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ sụt giảm kỷ lục do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Nhu cầu nhiên liệu đã giảm gần 30 triệu thùng/ngày khi các nước thực thi lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế khiến phần lớn hoạt động kinh tế bị đình trệ và người dân được yêu cầu ở nhà, hạn chế đi lại.
Báo cáo của Rystad Energy nêu rõ: “Với việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+, tình trạng mất cân bằng giữa nguồn cung và dầu năng lượng toàn cầu sẽ được cải thiện, với mức giảm còn 13,6 triệu thùng/ngày vào tháng 5 và về mức 6,1 triệuthùng/ngày vào tháng 6”.
Nhà phân tích thị trường Louise Dickson của công ty năng lượng Rystad cho biết: “Mặc dù nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của OPEC+, thị trường dầu mỏ trong ngắn hạn vẫn có thể phải chịu áp lực từ nguồn cung dầu đang dồi dào và thiếu kho lưu trữ nhiên liệu toàn cầu”./.