[Thói hư - tật xấu trong văn hóa giao thông Hà Nội] Bài 4: Vấn nạn chống đối và “xin - cho”

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh những thói quen ích kỷ, phá luật gây mất trật tự, an toàn giao thông, muôn kiểu chống đối và các hình thức “xin - cho” đang phá hoại nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông của cả cộng đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xử lý không nghiêm chẳng những dung dưỡng cho vi phạm giao thông tiếp diễn mà còn làm tha hóa lực lượng chức năng.
Bước qua lòng tự trọng

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, việc xử phạt nghiêm vi phạm cũng là một biện pháp tối quan trọng để nâng cao ý thức giao thông của người dân. Tuy nhiên, muốn xử phạt vi phạm cũng không dễ dàng. Lãnh đạo Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ: “Việc xử phạt vi phạm giao thông hiện nay còn gặp nhiều khó khăn khách quan. Không ít người vi phạm có thói quen xin xỏ, xin không được thì chống đối bằng nhiều hình thức. Dường như việc chấp hành luật, chịu xử phạt khi sai phạm còn rất xa lạ với họ”.
 Lực lượng chức năng xử lý vi phạm giao thông trên phố Thái Hà. Ảnh: Hải Linh
Từ những lỗi nhỏ phổ biến như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, cho đến vụ việc lớn như gây tai nạn, rất nhiều người bước xuống xe là bắt đầu mở lời “xin thông cảm”. Họ đưa ra vô vàn lý do để phân trần việc phạm luật, mong CSGT bỏ qua, không xử phạt. Thậm chí, nhiều người còn đề nghị được “làm luật”, hối lộ để không bị giữ xe, giữ bằng hoặc bớt tiền phạt. Một số người không xin xỏ được là quay ra cãi vã, bắt bẻ CSGT, hoặc chụp ảnh, quay phim tung lên mạng xã hội, cố tình làm sai lệch thông tin với dụng ý bôi nhọ CSGT cho bõ tức.

Trung tá Trần Tuấn Anh - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an quận Hà Đông cho biết, thời gian qua còn xuất hiện một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội, lạm dụng quyền giám sát của người dân để đeo bám các tổ tuần tra, xử lý của CSGT, livestream với mục đích câu view, câu like, hoặc báo chốt để người vi phạm trốn tránh, gây ức chế cho lực lượng chức năng. Không ít người khi xuống xe, chưa biết mình phạm lỗi gì đã “vỗ ngực” khoe có quan hệ, có chức tước để gây áp lực cho lực lượng chức năng.
Một số tài xế xe tải, xe khách sẵn sàng khóa cửa xe bỏ đi, hoặc “câu giờ” không xuất trình giấy tờ để lập biên bản. “Tất cả những hành vi từ xin xỏ cho đến gây áp lực đều là hành động chống đối, gây cản trở người thi hành công vụ” - Trung tá Trần Tuấn Anh khẳng định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi xin xỏ, hối lộ để được bỏ qua vi phạm giao thông là nhiều người đã bước qua lòng tự trọng của chính mình.
Thạc sĩ xã hội học Lê Hoàng Lan phân tích, không phải ai cũng cố tình vi phạm luật giao thông, nhưng đã vi phạm phải chịu trách nhiệm, chấp nhận các hình thức xử phạt. Xin xỏ, hối lộ để được bỏ qua là tìm cách lấp liếm cái sai của mình, là thiếu tự trọng và không tôn trọng luật pháp cũng như lực lượng chức năng.
“Đó là những thói rất xấu đã tồn tại từ lâu trong văn hóa giao thông của cư dân đô thị, là “chất bổ” để dung dưỡng những thói hư tật xấu khác; đồng thời cũng là nguy cơ đối với văn hóa cộng đồng” - Thạc sĩ Lê Hoàng Lan nói.

Hiệu ứng tiêu cực

Luật sư Phan Thị Thu Hiền phân tích, luật pháp đặt ra nhằm duy trì trật tự xã hội, mỗi người có trách nhiệm phải tuân thủ vì lợi ích của chính mình và cả cộng đồng. Không có luật pháp, xã hội sẽ không còn trật tự nữa và trở nên nguy hiểm cho tất cả. “Trong đời sống của cư dân đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng, hiện tượng phạm luật diễn ra phổ biến nhất trong lĩnh vực giao thông. Đó là hiệu ứng tiêu cực do quá tải hạ tầng, do ý thức, văn hóa giao thông còn kém, và cũng do công tác xử phạt vi phạm giao thông chưa đạt hiệu quả như mong muốn” - luật sư Phan Thị Thu Hiền nhận định.

Anh Dư Trung Tưởng (Vạn Kim, Mỹ Đức) bộc bạch: “Nhiều khi thấy xe biển xanh, biển đỏ cũng vi phạm giao thông, xe taxi, xe khách, xe ba bánh nghênh ngang trên đường nên tôi cũng nảy sinh tâm lý bắt chước. Xe kia không bị phạt thì xe mình chắc cũng không”. Anh Tưởng còn cho hay, thông tin, hình ảnh về việc CSGT, Thanh tra GTVT nhận tiền mãi lộ lưu truyền trên mạng xã hội không ít. Điều đó cũng khiến cho lòng tin của người dân vào sự liêm chính, nghiêm minh của lực lượng chức năng lung lay, khiến tư tưởng bị bắt thì xin, thì nộp tiền mãi lộ dần dần hình thành và lan rộng trong cộng đồng xã hội.

Thạc sĩ Lê Hoàng Lan cho rằng, trong đời sống thực tế, dù ít khi được đưa ra ánh sáng nhưng những áp lực ngấm ngầm đối với lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra GTVT là có thực. Nhiều người vi phạm giao thông có quan hệ, có địa vị chính là nguồn cơn của những áp lực ngầm đó, khiến việc thực thi pháp luật về giao thông đôi khi không được nghiêm minh, hiệu quả. Cũng chính từ đó mới nảy sinh tâm lý nhận hối lộ, bỏ qua vi phạm của một số cán bộ, chiến sỹ.
“Họ cho rằng bỏ qua cho trường hợp này cũng có thể bỏ qua cho trường hợp khác. Và đặc biệt là khi cấp trên đã yêu cầu mình bỏ qua vi phạm thì sẽ phải bao che, dung túng cho mình. Vì vậy có không ít người đã trượt dài, tha hóa đạo đức nghề nghiệp, đồng thời gây hiệu ứng xấu trong ý thức của người dân” - Thạc sĩ Lê Hoàng Lan chia sẻ.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, im lặng trước cái sai, chấp nhận hối lộ, xin xỏ để được bỏ qua vi phạm giao thông là sai lầm gây rất nhiều hiệu ứng tiêu cực của người dân. Luật sư Phan Thị Thu Hiền nói: “Một trong những hiệu ứng xấu đáng lo ngại nhất là tha hóa người thực thi công vụ. Khi một người hối lộ là đã tạo ra tiền lệ xấu, khiến nhiều người khác có thể bị ép buộc phải làm theo, cứ như vậy căn bệnh “xin - cho” được thể lây lan ra mọi lĩnh vực đời sống xã hội chứ không chỉ riêng giao thông”.

"Muốn trừ bỏ thói xấu “xin - cho” cũng như ý thức tiêu cực chống đối của người dân trong lĩnh vực giao thông, trước hết phải có một lực lượng hành pháp kỷ luật, trong sạch, kiên quyết không dung thứ, không thỏa hiệp với vi phạm." - Thạc sĩ xã hội học Lê Hoàng Lan


"Lực lượng thực thi pháp luật giao thông trên đường chịu rất nhiều áp lực, từ người dân và cả từ trong nội bộ hệ thống chính trị. Nếu không có sự hậu thuẫn tuyệt đối từ các cấp quản lý trực tiếp, cán bộ, chiến sỹ CSGT, Thanh tra GTVT, dù muốn hay không cũng sẽ bỏ lọt vi phạm, tạo hiệu ứng xấu trong cộng đồng xã hội, gây nên tâm lý coi thường luật pháp, coi thường lực lượng hành pháp, từ đó ngang nhiên vi phạm giao thông trong bộ phận không nhỏ người dân." - Luật sư Phan Thị Thu Hiền


"Là người chiến sĩ CSGT, không ai muốn phải xử phạt người vi phạm, không ai muốn phải chứng kiến những hành vi ngang nhiên phạm luật. Điều chúng tôi mong muốn nhất là người dân tự giác chấp hành luật, tham gia giao thông có ý thức, có văn hóa để cùng góp phần giữ gìn trật tự, ATGT, không còn ùn tắc, không còn những mất mát, thương vong do tai nạn giao thông nữa." - Lãnh đạo Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội

(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần