Thương hiệu ngoại đổ bộ
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may chiếm từ 5 - 6% chi tiêu của người dân, tương đương từ 4 - 4,5 tỷ USD, tiềm năng lớn nên các DN nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư, khai thác.
Theo báo cáo tài chính của hãng thời trang Zara Việt Nam, tháng 9/2016, DN này mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Sau 4 tháng hoạt động, Zara đã đạt doanh thu 321 tỷ đồng, năm 2017 đã lên đến 1.100 tỷ đồng. Không dừng ở con số này, năm 2018, doanh thu của Zara tại Việt Nam đạt 1.970 tỷ đồng, đưa tổng doanh thu tại Việt Nam trong 3 năm (2016 - 2018) gần 3.100 tỷ đồng, biên lợi nhuận bình quân 40%/năm.
Cùng phân khúc giá với Zara, năm 2017 hãng thời trang H&M mới tham gia thị trường Việt Nam nhưng doanh thu năm 2018 của thương hiệu này đã đạt hơn 763 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với năm đầu tiên góp mặt.
Thực tế cho thấy, sau Zara, H&M, nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài như Topshop, Mango, Nine West, Uniqlo,… liên tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Theo thống kê, hiện có khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại đang cạnh tranh trên thị trường, chiếm khoảng 60% với các sản phẩm đáp ứng đủ các phân khúc từ bình dân đến cao cấp.
Nói về nguyên nhân khiến doanh thu của các DN may mặc nước ngoài tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, Giám đốc khu vực miền Bắc - Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam - Đặng Thúy Hà cho biết, người Việt đứng thứ 3 thế giới về chuộng hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
"Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hiện người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn đã quay lưng với hàng dệt may Trung Quốc. Đây là thời cơ để DN dệt may ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, qua đó khai thác thị trường dệt may Việt Nam quy mô lên đến 5 tỷ USD." - TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Kinh tế (Học viện Tài chính) |
Xác định rõ phân khúc - đổi mới công nghệ
Những năm vừa qua, ngành dệt may Việt Nam luôn ở trong Top 3 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu dệt may nhưng tăng trưởng trên thị trường nội địa luôn ở mức rất thấp. Nguyên nhân là do DN dệt may chưa chú trọng phát triển thị trường trong nước, nhất là thị trường nông thôn.
Từ thực trạng trên, Bộ Công Thương khuyến cáo, để cạnh tranh với DN ngoại ngay tại thị trường trong nước, DN dệt may cần đổi mới cả về phương thức quản lý, công nghệ, đồng thời chủ động từ nguyên phụ liệu đến đội ngũ lao động có tay nghề giỏi; tập trung đẩy mạnh khâu thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu và tích cực mở rộng hệ thống bán lẻ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm đề nghị, ngành dệt may phải thực hiện song song 2 giải pháp, gồm: Tập trung đầu tư vào những DN nội đang có thị phần tốt tại thị trường nội địa, qua đó giúp tăng quy mô sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Ở chiều ngược lại, DN đầu tư, nghiên cứu thiết kế để đưa ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu riêng, đẩy mạnh phát triển hệ thống bán lẻ, khai thác tối đa hiệu suất tài sản cố định.
Theo TS Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), muốn khai thác thị trường nội địa, đòi hỏi DN phải xác định sản phẩm dành cho từng đối tượng khách hàng, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thành thị hay nông thôn. Muốn làm được điều đó, DN cần nghiên cứu cung - cầu một cách thấu đáo để sản xuất ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu người Việt Nam. Đặc biệt, các DN phải thay đổi cung cách phục vụ người Việt, giá cả phải tương xứng với khả năng chi trả của người tiêu dùng trong nước.
Ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho thấy, muốn giành lại thị trường nội địa, DN Việt Nam cần đổi mới về mọi mặt, hoạch định từng giai đoạn phát triển như xác định phân khúc khách hàng, độ tuổi, chọn nguyên phụ liệu, thiết kế cho phù hợp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.