Điện Kremlin khởi động Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF) vào năm 1997, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thảo luận về chính sách kinh tế.
Từ lâu, Nga đã so sánh SPIEF với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - sự kiện hàng năm dành cho các VIP toàn cầu được tổ chức tại khu nghỉ mát Alpine của Thụy Sĩ ở Davos.
Nga bước vào “trật tự toàn cầu mới”
Tại sự kiện năm nay, sau khi bị trì hoãn hơn 90 phút vì một cuộc tấn công mạng nhắm vào sự kiện, bài phát biểu của ông Putin đề cập đến những vấn đề nóng, trong đó đặc biệt có chiến sự tại Ukraine và vai trò của Nga trong trật tự toàn cầu.
Tổng thống Putin cho biết Nga đang bước vào một trật tự toàn cầu mới với tư cách là một "quốc gia hùng mạnh và hiện đại". Theo Hãng tin Reuters, ông nói "rõ ràng" các quy tắc của trật tự toàn cầu mới sẽ được đặt ra bởi "các quốc gia mạnh và có chủ quyền".
Nhà lãnh đạo Nga nói rằng "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga đã trở thành một "thứ cứu rỗi để phương Tây đổ lỗi mọi vấn đề cho Nga". Ông chủ Điện Kremlin cũng đổ lỗi cho phương Tây đang cố gắng làm tổn hại nền kinh tế Nga. Ông gọi các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Moscow là "điên rồ" và "táo tợn".
"Ý định của họ rõ ràng là bóp chết nền kinh tế Nga bằng cách phá vỡ chuỗi hậu cần, đóng băng các tài sản quốc gia và tấn công vào mức sống, nhưng họ đã không thành công. Các doanh nhân Nga đã cùng nhau làm việc siêng năng, tận tâm, và từng bước một chúng tôi đang bình thường hóa tình hình kinh tế," ông Putin nói.
Chỉ trích Mỹ và các đồng minh trong bài phát biểu, ông Putin khẳng định, họ sống trong quá khứ theo những ảo tưởng khi cho rằng họ đã chiến thắng và sau đó mọi thứ khác chỉ là thuộc địa, sân sau, còn những người sống ở những nơi đó là các công dân hạng hai.
Kêu gọi các nhà đầu tư nhận ra “tiềm năng khổng lồ”
Nhà lãnh đạo Nga cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nga tăng cường đầu tư trong nước để giúp nhận ra "tiềm năng khổng lồ" của Moscow và bất chấp những gì mà ông gọi là nỗ lực của phương Tây nhằm phá hủy nền kinh tế Nga.
Tổng thống Nga cũng cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đã “hoàn toàn đánh mất chủ quyền" và “lợi ích thực sự của người châu Âu và các doanh nghiệp trong khối hoàn toàn bị phớt lờ và gạt sang một bên” bởi giới tinh hoa của họ.
Về việc Ukraine gia nhập EU, ông Putin nói rằng ông “không có lý do gì” để phản đối.
“Không giống như NATO, EU không phải là khối chính trị-quân sự, do đó chúng tôi luôn nói rằng lập trường của chúng tôi là nhất quán, dễ hiểu và chúng tôi không có gì chống lại [việc Ukraine gia nhập EU]. Tham gia hay không là quyết định chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào và EU có chấp nhận các quốc gia mới là thành viên hay không cũng tùy thuộc vào chính họ," ông Putin khẳng định.
Trong một diễn biến liên quan, TASS dẫn lời ông Anton Kobyakov - cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thư ký điều hành của Ban Tổ chức SPIEF - phát biểu với báo giới hôm 18/5 cho biết, 691 thỏa thuận trị giá 5,639 nghìn tỉ rúp – tương đương 99,8 tỷ USD đã được ký kết trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế.
Khoảng 14.000 người đại diện cho 130 quốc gia, bao gồm cả Nga, đã tham gia diễn đàn SPIEF năm nay. 79 quốc gia đã cử đại diện chính thức.
.