Sự hòa dịu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc gần đây đã hồi sinh cuộc đối thoại thống nhất 2 miền đã bị chia cắt từ những năm 1950. Cả hai miền Triều Tiên đều nhiều lần kêu gọi việc thống nhất hòa bình và diễu hành cùng nhau dưới lá cờ thống nhất ở Thế vận hội mùa đông tại Pyongchang, Hàn Quốc.
Và khi một nhóm nhạc K-pop đến Triều Tiên vừa qua, họ đã nắm tay các ca sĩ Triều Tiên và hát: “Ước nguyện của chúng tôi là sự thống nhất”.
Năm 1993, nhà lãnh đạo sáng lập của Bắc Triều Tiên Kim Il Sung từng đề xuất một chương trình thống nhất bao gồm 10 điểm, trong đó có đề xuất tồn tại hai chế độ.
Tuy nhiên, tại bán đảo đã trong tình trạng xung đột gần 70 năm, thống nhất là một ý tưởng phức tạp và phi thực tế, ít nhất là ở Hàn Quốc, trong bối cảnh khoảng cách giữa 2 nước đã ngày càng lớn.
Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế trong khi Triều Tiên vẫn đang gặp khó khăn.
Tỷ lệ ủng hộ thống nhất đất nước đã giảm ở miền Nam, với 58% cảm thấy thống nhất là điều cần thiết (so với gần 70% trong năm 2014), theo một cuộc khảo sát của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc.
Thiệt hại kinh tế sẽ là rất lớn cho Hàn Quốc, Park Jung-ho, một nhân viên văn phòng 35 tuổi ở Seoul cho biết. Các ước tính về chi phí thống nhất kháo cao, tới 5.000 tỷ USD - khoản chi phí sẽ dồn hết lên vai Hàn Quốc.
Không giống Đông và Tây Đức - thống nhất năm 1990 - hai miền Triều Tiên bị chia cắt bởi cuộc chiến hiện vẫn chưa thể giải quyết. Seoul và Bình Nhưỡng chưa hề ký một hiệp ước hòa bình chấm dứt cuộc xung đột.
Sự chia cắt chưa thể giải quyết này là lý do tìm kiếm hòa bình và giải trừ hạt nhân là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Moon Jae-in trong hội nghị thượng đỉnh vào ngày mai (27/4), theo ông Moon Chung-in, cố vấn an ninh quốc gia đặc biệt của Tổng thống.
Hai bên cũng đã gặp một số vấn đề trong hợp tác quy mô nhỏ, chẳng hạn như khu công nghiệp chung Kaesong, nơi các công nhân từ cả hai miền cùng nhau làm việc. Khu công nghiệp chung này đã bị đóng cửa vào năm 2016 trong bối cảnh căng thẳng lên cao liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Vừa qua, Seoul và Bình Nhưỡng đã không thể thống nhất về một chương trình cho phép các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên đoàn tụ.
Việc thiếu lòng tin đã tạo ra một hố sâu. Một số người Hàn Quốc và người Mỹ vẫn tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tích lũy kho vũ khí hạt nhân như một phần của kế hoạch dài hạn nhằm kiểm soát bán đảo. Trong khi đó, Bình Nhưỡng lo ngại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc là một ý định xâm lược Triều Tiên.