Thủ đô Paris ngập rác, chuyện gì đang diễn ra ở Pháp?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng bạo loạn và đình công đang gia tăng, nhằm phản đối cải cách hưu trí, hiện là thách thức nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kể từ sau phong trào biểu tình "Áo vàng" cách đây 4 năm.

Người dân Paris phàn nàn về mùi rác hôi thối và chuột, bọ... trên đường phố thủ đô những ngày qua. Ảnh: EPA-EFE
Người dân Paris phàn nàn về mùi rác hôi thối và chuột, bọ... trên đường phố thủ đô những ngày qua. Ảnh: EPA-EFE

Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra cuối tuần qua trên khắp nước Pháp. Đáng chú ý, những người biểu tình tại Nantes và Marseille đã vượt qua cảnh sát để chiếm quyền kiểm soát ga xe lửa chính trong khoảng 15 phút hôm 18/3. Còn tại TP Besancon ở phía Đông, hàng trăm người biểu tình đã đốt thẻ cử tri và đốt cả lò than tại đây.

Tại thủ đô Paris, lực lượng an ninh sáng 19/3 đã tìm cách ổn định lại trật tự sau 2 đêm bất ổn liên tiếp. Cảnh sát trước đó đã cấm mọi hoạt động tụ tập trên đại lộ Champs-Elysées và quảng trường Place de la Concorde, nơi đám đông người biểu tình thậm chí đã đốt hình nộm của Tổng thống Macron và hò reo vào tối ngày 17/3. 

Hàng nghìn người biểu tình tiếp tục tập trung vào tối 18/3 tại một quảng trường công cộng ở phía Nam Paris là Place d'Italie, sau đó diễu hành về phía nhà máy đốt rác thải lớn nhất châu Âu tại đây. Những người biểu tình đốt thùng rác, hô vang những khẩu hiệu như "đường phố là của chúng ta", trong khi còi báo động cứu hỏa rền vang khắp thành phố.

Những người biểu tình được cho đang cố gắng gây áp lực với các nhà lập pháp để hạ bệ chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron, cũng như buộc hủy bỏ quyết định tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 mà Tổng thống đương nhiệm đang cố áp đặt tại Quốc hội.

Sau khi ông Macron ra lệnh cho Thủ tướng Elisabeth Borne viện dẫn một quyền lực hiến pháp đặc biệt để buộc Hạ viện thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu, các nhà lập pháp ở cả hai cánh đã đề xuất một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại Nội các của bà Borne, dự kiến ​​​​sẽ diễn ra vào ngày 20/3.

Một người biểu tình trước đống rác đang cháy trong cuộc biểu tình ở thủ đô Paris, tối 18/3/2023. Ảnh: AP
Một người biểu tình trước đống rác đang cháy trong cuộc biểu tình ở thủ đô Paris, tối 18/3/2023. Ảnh: AP

Theo Bộ Nội vụ Pháp, hơn 300 người đã bị bắt giữ trên toàn quốc trong các cuộc biểu tình có xu hướng biến thành bạo loạn, đã gia tăng kể từ khi dự luật cải cách hưu trí được áp đặt hôm 16/3.

"Chính phủ nên thay đổi lập trường và lắng nghe người dân vì những gì đang xảy ra là vô cùng nghiêm trọng" - Isabelle Vergriette, nhà tâm lý học đang sinh sống tại Paris, nói với AP - "Chúng ta đang chứng kiến ​​sự cực đoan hóa nơi dân chúng, và Chính phủ chịu trách nhiệm phần lớn về việc này".

Trong bối cảnh công nhân vệ sinh đình công, rác thải không được thu gom bốc mùi hôi thối trên các con phố ở thủ đô Paris. Cảnh sát Paris đã huy động nhân lực để dọn dẹp một số khu vực, nhưng đường phố tại thủ đô hôm 19/3 được mô tả vẫn còn rất ô nhiễm.

Các cuộc đình công tiếp tục được lên kế hoạch diễn ra trong tuần này, trong nhiều lĩnh vực, từ vận tải đến năng lượng. Theo Cơ quan Hàng không Dân dụng Pháp, 30% số chuyến bay đã bị hủy tại Orly - sân bay lớn thứ hai của Paris, và 20% tại Marseille. Liên minh công đoàn Pháp (CGT) cảnh báo rằng ít nhất 2 nhà máy lọc dầu có thể phải ngừng hoạt động kể từ ngày 20/3.

Tình trạng bất ổn và đình công ngày càng gia tăng là thách thức nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Tổng thống Macron kể từ sau phong trào biểu tình "Áo vàng" cách đây 4 năm, và chỉ chưa đầy 1 năm nữa là đến nhiệm kỳ thứ hai, cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông.

Tổng thống Pháp đương nhiệm đã lập luận rằng việc yêu cầu người lao động làm việc thêm 2 năm nữa là cần thiết để tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế của đất nước, cũng như ngăn quỹ lương hưu của nước này rơi vào tình trạng thâm hụt khi dân số đang già đi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần