Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ đoạn giả mạo hồ sơ chiếm đoạt tiền hoàn thuế

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình trạng gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) không chỉ gây khó khăn cho lực lượng thực thi trong việc phát hiện và xử lý mà còn gây áp lực lớn với cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nhằm chống thất thu cho ngân sách.

Nhiều mánh khóe

Công an tỉnh Ninh Bình đang điều tra việc hoàn thuế của công ty TNHH Nam Phương Ninh Bình (Công ty Nam Phương). Trong khoảng 5 năm qua, DN này được Cục Thuế tỉnh Ninh Bình ra hàng chục quyết định hoàn thuế với số tiền gần 100 tỷ đồng. Trong đó, việc hoàn thuế có một số dấu hiệu vi phạm về mua bán hóa đơn chứng từ. Hàng hóa, dịch vụ mua vào là gỗ keo tròn, dăm gỗ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình khám xét nơi ở của Nguyễn Đức Hậu (Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Linh Nhung) vì liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn. Ảnh: Báo Lao động
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình khám xét nơi ở của Nguyễn Đức Hậu (Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Linh Nhung) vì liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn. Ảnh: Báo Lao động

Các sản phẩm này đều mua từ các hộ dân ở Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ. Từ năm 2016 đến nay, Công ty Nam Phương đã sử dụng trên 1.000 hóa đơn GTGT đầu vào của gần 100 DN trong và ngoài tỉnh để kê khai thuế.

Công ty Nam Phương sử dụng hơn 90 số hóa đơn GTGT với tổng giá trị tiền hàng trước thuế là trên 460 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Thương mại Linh Nhung do Nguyễn Đức Hậu làm giám đốc.

Trong khi đó, tháng 6/2021, Công an tỉnh Ninh Bình quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét chỗ ở và lệnh bắt tạm giam đối với 3 đối tượng vì liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn, trong đó có Nguyễn Đức Hậu (sinh năm 1978, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Linh Nhung).

Từ năm 2016 đến hết năm 2020, Nguyễn Đức Hậu đã mua trái phép tổng số 93 hóa đơn GTGT khống của 10 DN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Nam Định với tổng giá trị hàng hóa dịch vụ trước thuế là trên 230 tỷ đồng.

Công ty Nam Phương và Công ty Linh Nhung đều cùng ở một địa chỉ tại TP Ninh Bình.

Trước đó, một trường hợp chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT đã được cơ quan quản lý bóc trần là Công ty Junma - Phú Thọ, liên quan thu mua gỗ. Từ tháng 11/2018 đến tháng 3/2020, Công ty TNHH Thương mại Tài Tiến đã xuất cho Công ty Junma tổng số 202 hóa đơn GTGT với tổng giá trị 165,9 tỷ đồng, trong đó đã xác định giá trị hàng thực mà Công ty TNHH Thương Mại Tài Tiến bán cho Công ty Junma là 91,4 tỷ đồng, còn lại giá trị hàng hóa khống là 74,5 tỷ đồng đã được Công ty Junma sử dụng làm chứng từ kê khai khấu trừ và đề nghị hoàn thuế GTGT…

Hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về thuế

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, việc hoàn thuế giúp DN có được dòng tiền, quay vòng vốn nhanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách khuyến khích của Nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Điều này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra sự mất cân bằng trong hoạt động kinh doanh của các DN, biến tướng trong môi trường kinh doanh.

Việc các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế mà còn rủi ro cho ngân hàng. Bởi lẽ việc lập hợp đồng, hóa đơn, chứng từ khống còn được các đối tượng sử dụng để đáo hạn mức nhằm quay vòng vốn, sử dụng tiền cho mục đích cá nhân sau đó không trả được nợ gây ra nợ xấu.

Tình trạng này xảy ra do công tác quản lý còn nhiều kẽ hở, DN tự kê khai và tự chịu trách nhiệm khi kê khai thuế, không đồng nhất công tác quản lý tại các địa phương do có đơn vị quản lý bằng hình thức trực tuyến nhưng vẫn có nhiều địa phương quản lý bằng hồ sơ giấy.

Cùng với đó là những hạn chế về năng lực quản lý của cán bộ thuế giữa các địa phương, có sự tiếp tay của một số cán bộ thuế thoái hóa, biến chất…

Các hành vi vi phạm tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự đối với các tội buôn lậu; tội trốn thuế; tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức…

“Do đó, để giảm thiểu, phòng tránh các hành vi vi phạm, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về thuế, đảm bảo tính chặt chẽ và ổn định lâu dài, hoàn thiện phương thức quản lý thuế, đồng bộ công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý hoàn thuế. Cùng với đó, tăng cường nghiệp vụ của cán bộ thuế trong công tác hoàn thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các DN trước, trong và sau hoàn thuế để tránh rủi ro về thuế” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

 

"Có rất nhiều thủ đoạn có thể kể đến như hành vi giả mạo hồ sơ vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu khống; ký hợp đồng khống có người mua và người bán thật nhưng không có hàng thật; quay vòng hàng hóa để xuất khẩu, vận chuyển nhiều lần với một lô hàng; sử dụng các công ty con hoặc công ty liên kết để bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa đầu vào và đầu ra của DN; thành lập các công ty “ma” để xuất hóa đơn đầu vào cho DN,…" - Luật sư Luân Thị Nương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)