Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ phủ cau ở Quảng Ngãi: Bão qua, nước mắt ở lại

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bão số 4 đã xô đổ nhiều vườn cau trĩu quả, gây thiệt hại lớn cho người dân huyện niền núi Sơn Tây - nơi được gọi là thủ phủ trồng cau ở Quảng Ngãi.

Tan hoang những mảnh vườn “trăm triệu”

Bão số 4 đi qua, vườn cau hàng trăm cây, quả đang độ lớn nhanh, hứa hẹn bội thu của gia đình anh Đinh Văn Chẻ (thôn Gò Lã, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) bỗng chốc trở nên ngổn ngang. Nhìn những thân cau xanh tốt, buồng chi chít quả nằm la liệt trên mặt đất, cây thì gãy ngang, cây thì bật gốc, anh Chẻ như chết lặng.

Vườn cau của anh Đinh Văn Chẻ tan hoang sau bão số 4.
Vườn cau của anh Đinh Văn Chẻ tan hoang sau bão số 4.

Cau nhà trồng được 15 năm rồi. Bây giờ bão làm đổ gần hết, biết sống làm sao đây?”- anh Chẻ buồn rầu.

Xót của, anh Chẻ tìm xem có buồng cau nào bán được cho thương lái hay không, với hy vọng mong manh, vớt vát được đồng nào hay đồng đó nhưng rồi lại thất vọng vì cau còn quá non, chẳng ai mua.

Cau còn quá non, chưa thể bán cho thương lái.
Cau còn quá non, chưa thể bán cho thương lái.

Không chỉ anh Chẻ, nhiều hộ gia đình người đồng bào Cadong ở Sơn Tây cũng thất thần bởi sau một đêm, vườn cau – nguồn thu hoạch chính của gia đình đã bị bão “cướp” sạch.

Bao dự tính lấy nguồn lợi từ cau để mở rộng đầu tư làm ăn phát triển kinh tế, lo cho con cái học hành của nhiều gia đình nay đành phải gác lại bởi hàng loạt cây cau bị bão số 4 làm bật gốc, gãy đổ, không thu lại được đồng nào.

Người dân ngồi ngẩn ngơ bên những buồng cau non.
Người dân ngồi ngẩn ngơ bên những buồng cau non.

“Quả nhỏ quá, khoảng 1 tháng nữa mới hái bán cho thương lái, ngã đổ kiểu này là mất trắng luôn. Cau là cây lâu năm nên trồng lại phải tốn nhiều thời gian mới có thu nhập, giờ cũng không biết tính sao nữa”- anh Đinh Văn Dương (thôn Gò Lã, xã Sơn Dung) cho hay.

Theo người dân, từ khi trồng đến lúc cây cau cho quả lứa đầu phải mất 7 – 8 năm. Cây cau có thể cho thu hoạch kéo dài có thể lên đến trên 20 năm. Mấy năm qua, giá cau tăng cao, có lúc lên đến trên 40.000 đồng/kg đã mang đến nguồn thu nhập đáng kể nhiều hộ gia đình. Không ít người kiếm được hàng trăm triệu đồng chỉ sau một vụ cau. Thế nhưng, bão số 4 đã cuốn đi bao công sức, hy vọng của người dân Gò Lã chỉ trong một đêm.

Ông Đinh Văn Mù chưa từng thấy trận bão nào làm nhiều cau ngã đổ như thế.
Ông Đinh Văn Mù chưa từng thấy trận bão nào làm nhiều cau ngã đổ như thế.

Bão đã đi qua, những giọt nước mắt vẫn còn đọng lại với người đồng bào dân tộc thiểu số Ca dong ở Sơn Tây. 85 tuổi đời cũng là ngần ấy năm sống ở đây, ông Đinh Văn Mù chưa bao giờ thấy cảnh vườn cau 15, 20 năm tuổi bị bão quật tan tác như bây giờ. “Cơn bão này làm cau của dân gãy hết, người dân buồn lắm. Ở đây đời sống khó khăn, chủ yếu từ cau, keo,....thôi”- ông Mù rơm rớm.

Người dân cần được hỗ trợ

Sơn Tây được xem là "thủ phủ" của cây cau. Theo số liệu thống kê, toàn huyện Sơn Tây hiện có khoảng hơn 1.000ha cau, trong đó, xã Sơn Dung có diện tích lớn nhất với gần 325ha. Bão số 4 đã làm cho cuộc sống của người dân vốn nghèo khó nơi đây lại càng thêm khó khăn.

Sơn Tây được mệnh danh là "xứ ngàn cau" ở Quảng Ngãi.
Sơn Tây được mệnh danh là "xứ ngàn cau" ở Quảng Ngãi.

“Bão số 4 gây thiệt hại nặng về nông nghiệp cho bà con, nhất là cau, ước tính có khoảng 1.000 cây cau đang độ cho quả của bà con bị gãy đổ, hư hại. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường lực lượng xuống hỗ trợ cho bà con khắc phục hậu quả"- ông Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch UBND xã Sơn Dung thông tin.

Theo ông Trí, trong thời gian đến, địa phương sẽ khuyến khích người dân trồng lại diện tích cau bị thiệt hại. Đồng thời, đề nghị cấp trên xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ giống cau cho bà con.

Hàng loạt cau bị ngã đổ, bật gốc do bão.
Hàng loạt cau bị ngã đổ, bật gốc do bão.

Theo thống kê chưa đầy đủ của chính quyền địa phương, bão số 4 đã làm khoảng 40ha cau đang cho trái của người dân ở các xã như: Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Dung…. bị ngã đổ, hư hỏng.

“Huyện vẫn đang tiếp tục thống kê cụ thể số lượng thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ phù hợp”- ông Phạm Hồng Khuyến- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây chia sẻ.