Câu hỏi
Sổ đỏ đất nhà cấp cho hộ gia đình bà ngoại tôi vào năm 1995. Bà mới mất, muốn làm thừa kế đất nhà cho mẹ tôi thì cần giấy tờ gì? Bà không lấy chồng, có mỗi một người con là mẹ tôi, và bố mẹ của bà cũng đã mất. Địa phương xác nhận hộ gia đình có 2 thành viên là bà và mẹ.
Trả lời
Theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về hộ gia đình sử dụng đất, cụ thể như sau: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”
Tại Điều 5 Luật Đất đai 2013 quy định về người sử dụng đất, cụ thể như sau:
“Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm: 2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân)”.
Theo quy định Luật Đất Đai 2013, hộ gia đình là người sử dụng đất. Và sổ đỏ được cấp cho hộ gia đình của bà bạn đại diện thì những người trong hộ gia đình đều có quyền và nghĩa vụ khi thực hiện các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất.
Thứ nhất, xác định di sản thừa kế
Sổ đỏ đứng tên hộ gia đình, địa phương đã xác nhận hộ gia đình có mẹ của bạn và bà ngoại của bạn; nên di sản thừa kế của bà của bạn sẽ là ½ quyền sử dụng đất nói trên.
Thứ hai, chia thừa kế theo quy định pháp luật
Nếu có di chúc hợp pháp thì chia theo di chúc, nếu không có di chúc thì chia theo pháp luật. Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chia thừa kế theo pháp luật trong trường hợp sau: không có di chúc.
Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hàng thừa kế theo thứ tự sau:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại."
Như vậy, theo các quy định pháp luật và thông tin bạn cung cấp, mẹ bạn là người thừa kế duy nhất của bà ngoại bạn.
Thứ ba, thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Điều 58 Luật Công chứng 2014, để thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế, người yêu cầu công chứng phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng nếu chia thừa kế theo pháp luật;
- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết;
- Các giấy tờ nhân thân: căn cước công dân của người khai nhận di sản thừa kế;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Bước 2: Tiến hành công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế
Việc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế được thực hiện tại Văn phòng Công chứng.
Văn bản khai nhận di sản thừa kế: công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người khai nhận di sản. Sau khi soạn thảo xong, người thừa kế đọc lại nội dung, đồng ý và sẽ được công chứng viên hướng dẫn ký vào văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn