Theo tờ Nikkei, Bộ Lao động Nhật Bản được yêu cầu phải thu thập dữ liệu từ tất cả các công ty lớn có quy mô khoảng từ 500 nhân viên trở lên hoặc hơn để thực hiện khảo sát hàng tháng. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến năm 2017, bộ này chỉ tiến hành khảo sát với khoảng 1/3 trong số những công ty cần phải được đưa vào diện cần tìm hiểu. Các công ty lớn thường có mức lương cao hơn công ty nhỏ, vì vậy việc thu thập mẫu không đủ đã kéo thấp mức lương ước tính trên khắp nước Nhật.
Vụ bê bối liên quan đến số liệu thống kê kinh tế bị sai lệch làm dấy lên nghi ngờ về chương trình kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe. |
Tăng trưởng mức lương, một chỉ tiêu quan trọng để chính phủ của Thủ tướng Abe đạt được mục tiêu lạm phát 2%, đã bị điều chỉnh giảm. Trước khi số liệu được điều chỉnh, mức lương vào thời điểm tháng 6/2018 từng được công bố tăng 3,3%, sau khi điều chỉnh, mức tăng trưởng chỉ còn 2,8%.
Bộ Lao động Nhật thừa nhận rằng việc thực hiện khảo sát không chuẩn đã gây thiệt hại 53,7 tỷ yen (tương đương 490 triệu USD) của khoảng 19,7 triệu người lao động. Ngoài ra nếu tính đến chi phí của hệ thống máy tính để sửa sai, chi phí ước sẽ lên đến 79,5 tỷ yen. Vụ việc số liệu sai sót này khiến cho giới chức Nhật Bản phải tiến hành điều tra lại khoảng 56 số liệu kinh tế chủ chốt, trong đó đến 40% bị phát hiện có lỗi. Các chuyên gia sẽ phải xem xét lại toàn bộ 233 chuỗi dữ liệu của chính phủ Nhật.
Bên cạnh việc tác động đến các thông số quan trọng về kinh tế, vụ bê bối liên quan đến dữ liệu này cũng gây ra nhiều hoài nghi với trụ cột chương trình kinh tế của ông Abe. Bê bối mới nhất này không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi về những đánh giá của chính phủ, làm giảm kỳ vọng lương thưởng và khiến cho Thủ tướng Abe có thể lại hứng chịu nhiều chỉ trích từ các đối thủ chính trị trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè năm nay.
Trước đó, kết quả cuộc điều tra dư luận mới nhất của hãng Thông cho thấy, có đến 78,8% không tin tưởng vào thống kê của chính phủ.
Trả lời trên tờ Nikkei Asian Review, ông Masamichi Adachi - nhà kinh tế học cấp cao của công ty tư vấn đầu tư JPMorgan Securities, nhận xét: "Độ tin cậy đối với các thống kê của Nhật Bản, đặc biệt là GDP và các dữ liệu quan trọng khác, là khá thấp. Điều đó đúng ngay cả trước khi xảy ra vụ bê bối này. Giờ đây niềm tin ngày càng giảm". Theo nhà kinh tế Masamichi Adachi, vụ bê bối này cũng là cơ hội tốt để chính phủ nhận ra tầm quan trọng của việc thực hiện thu thập dữ liệu tốt hơn và điều quan trọng đối với người dân Nhật là sự thấu hiểu và niềm tin đối với các chính sách của chính phủ.