Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng yêu cầu rà soát các Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030

Ngọc Châu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện 46/CĐ-TTg ngày 9/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 và Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, cơ quan đã nghiêm túc, khẩn trương thực hiện việc tổ chức lập, thẩm định, rà soát, hoàn thiện và trình phê duyệt các Quy hoạch tỉnh.

Đến nay, đã có 58 Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đóng góp tích cực vào tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thu hút đầu tư và phát triển bền vững của địa phương và đất nước.

Thủ tướng yêu cầu rà soát các Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Ảnh minh họa.
Thủ tướng yêu cầu rà soát các Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Ảnh minh họa.

Trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, rà soát, hoàn thiện và trình phê duyệt các Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu và sự phù hợp, thống nhất (không chồng lấn, mâu thuẫn) giữa Quy hoạch tỉnh với các quy hoạch khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch; các địa phương đều đã có văn bản cam kết đảm bảo về nội dung này khi hoàn thiện và trình phê duyệt các Quy hoạch tỉnh.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương, doanh nghiệp, một số Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt nhưng chưa phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu trong hồ sơ quy hoạch chưa đảm bảo chính xác có thể gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Quy hoạch tỉnh. Tiến độ triển khai lập và trình ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh rất chậm. Để kịp thời phát hiện và xử lý các bất cập trong quá trình thực hiện các Quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thường xuyên rà soát, báo cáo kịp thời về các nội dung thông tin chưa chính xác; chưa phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và về các vướng mắc, bất cập khác (nếu có).

2. Đối với các nội dung thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu chưa chính xác:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát chỉnh lý hồ sơ, đảm bảo thống nhất với quyết định được phê duyệt (bao gồm Báo cáo quy hoạch, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch), gửi 01 bộ hồ sơ quy hoạch về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lưu trữ theo quy định tại Điều 38b Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch; cập nhật vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; thực hiện công bố, cung cấp thông tin điều chỉnh quy hoạch theo quy định.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, chỉnh lý hồ sơ, tài liệu quy hoạch và đảm bảo tính chính xác của nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi cập nhật vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

3. Đối với các nội dung mâu thuẫn hoặc khác với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Khi nhận được văn bản xin ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, Bộ quản lý ngành có ý kiến cụ thể về phương án xử lý; có văn bản trả lời Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tỉnh và chịu trách nhiệm về nội dung điều chỉnh; trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo của địa phương và Bộ quản lý ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Về triển khai các dự án sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đồng thời rà soát sự phù hợp của dự án với Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi xem xét chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Đối với các dự án có liên quan đến quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xin ý kiến bằng văn bản của cơ quan tổ chức lập quy hoạch trước khi xem xét chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án.

5. Về kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh:

Các địa phương đã được phê duyệt Quy hoạch tỉnh khẩn trương triển khai lập, trình ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 38c Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 2540/BKHĐT-QLQH ngày 05 tháng 4 năm 2024 về việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

Sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, trình tự, thủ tục triển khai các dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.

6. Đối với các vướng mắc, bất cập khác (nếu có) phát sinh trong quá trình thực hiện Quy hoạch tỉnh:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kịp thời gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý.

7. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu quy định việc phân cấp tối đa cho cấp tỉnh đi đôi với việc quy định rõ trách nhiệm được phân cấp; cắt giảm thủ tục hành chính trong hoạt động quy hoạch và thiết kế công cụ kiểm tra giám sát hoạt động quy hoạch trong quá trình chủ trì nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.