70 năm giải phóng Thủ đô

Thúc đẩy an sinh

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách tiền lương là vấn đề luôn được đề cập tại nghị trường Quốc hội.

Ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các ý kiến gửi tới Quốc hội, cử tri và Nhân dân mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm chỉ đạo xử lý bất cập trong việc tăng lương đối với một số ngành nghề; tiếp tục điều chỉnh tăng lương hưu tương xứng với tăng lương cho cán bộ, công chức… Những kiến nghị này đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Liên quan đến vấn đề tiền lương, trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, một số đại biểu đã đề cập đến kiến nghị của Chính phủ, năm 2025 chưa xem xét tăng lương hưu, lương khu vực công, trợ cấp ưu đãi người có công để bảo đảm cân đối ngân sách và cho rằng “chỉ ủng hộ một phần đề xuất này”.

Bởi thực tế, từ 1/7/2024, lương cơ sở đã tăng lên mức 2,34 triệu đồng/tháng, song tiền lương khu vực giáo dục, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, cũng như lương của đội ngũ y, bác sĩ vẫn chưa tương xứng với công việc thực tế. Vấn đề lương hưu cũng vậy, cũng là một nội dung đáng quan tâm. Do đó, có thể không tăng lương khu vực công, nhưng phải tăng lương hưu và trợ cấp an sinh xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công vào năm 2025 để thúc đẩy an sinh.

Thống kê cho thấy, từ năm 1995 đến hết năm 2023 đã 23 lần điều chỉnh lương hưu. Hiện mức bình quân của người hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội là 5,6 triệu đồng/tháng; người hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước là 4,7 triệu đồng/tháng. Từ 1/7/2024, khoảng 3,3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng thêm 15%. Người hưởng lương hưu trước năm 1995 sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì tăng 300.000 đồng; người có mức hưởng mỗi tháng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng.

Đây có thể nói là mức tăng được mong đợi, tuy nhiên với nhiều người, mức thu nhập hưu trí này vẫn là thấp để trang trải cuộc sống, đặc biệt tại các đô thị. Như có đại biểu Quốc hội phân tích, khi lao động đi làm, mức lương thưởng sẽ được hưởng theo kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, trí tuệ, nhưng khi về hưu không còn khoản này, dẫn đến lương thấp. Với mức lương hưu trung bình, chi tiêu trong điều kiện thực tế đúng là rất chi li. Vì vậy, việc tiếp thu ý kiến cử tri, để có chính sách phù hợp cho những người hưởng lương hưu vẫn là vấn đề được đặt ra.

Để đưa ra mức tăng lương nói chung và tăng lương hưu nói riêng cần tính toán trên nhiều yếu tố về ngân sách, sự phát triển kinh tế - xã hội… và việc điều chỉnh lương hưu còn phải thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng để bảo đảm công lao trong quá khứ của công chức, viên chức nghỉ hưu đã đóng góp. Hơn thế, thực hiện chính sách tiền lương và điều chỉnh lương hưu luôn cần một nguồn lực lớn, cần cân nhắc trên nhiều yếu tố. Nhiều kiến nghị được đưa ra như mức tăng lương hưu cân nhắc dựa trên tình hình thực tiễn nhưng có thể xem xét chia thành từng nhóm, có chính sách tăng cao hơn với những người có lương thấp, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã nói tại kỳ họp Quốc hội, Bộ sẽ tiếp tục rà soát một cách tổng thể chính sách tiền lương của một số lĩnh vực, nhất là giáo viên mầm non, nhân viên y tế… để đề nghị điều chỉnh phụ cấp cho phù hợp. Cùng với đó, hy vọng vấn đề lương hưu cũng sẽ được xem xét để có sự điều chỉnh tương ứng với thực tiễn chung, để mỗi nhóm đối tượng có sự quan tâm, ưu tiên phù hợp, bảo đảm đời sống tốt hơn.