Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy xuất khẩu năm 2023: Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA

TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022 xuất khẩu hàng hóa nói chung và với các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói riêng của Việt Nam đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Tuy nhiên, trước những khó khăn được dự báo trong năm 2023, các DN xuất khẩu Việt Nam cần được hỗ trợ tận dụng tốt hơn nữa lợi thế từ các FTA để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Công Hùng
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Công Hùng

Doanh nghiệp hưởng lợi từ FTA chưa như mong đợi

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) về những lực cản khiến DN khó hiện thực hóa các cơ hội tiềm năng từ các FTA cho thấy: DN lo ngại nhất là về các biến động và bất ổn của thị trường (46,8%), hạn chế trong năng lực cạnh tranh của DN (46,4%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40,1%). Đáng nói, mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể so với các năm trước nhưng bất cập trong công tác tổ chức thực thi các FTA của các cơ quan Nhà nước vẫn là lực cản với khoảng 28,2% DN.

Một điều đáng lưu tâm nữa là tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong hai năm 2020 - 2021 (giai đoạn mà các FTA với tất cả 53 đối tác đã có hiệu lực), tăng trưởng xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA là 10,3%/năm, thấp hơn so với mức 13%/năm tăng trưởng trung bình của xuất khẩu đi toàn thế giới. Nói cách khác, với động lực từ các FTA, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đi các thị trường FTA là khá cao nhưng vẫn chưa bằng tốc độ tăng trưởng trung bình ở các thị trường chưa có FTA.

Dự báo mới nhất của nhiều tổ chức quốc tế đều cho thấy năm 2023 không khả quan đối với xuất khẩu của Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam năm 2023 đều giảm so với năm 2022 và giảm sâu so với năm 2021. Riêng khu vực đồng Euro dự kiến giảm sâu từ 3,1% năm 2022 xuống 0,5% năm 2023, thậm chí là tăng trưởng âm ở các thị trường bạn hàng lớn của Việt Nam ở EU như Đức, Italia... Mặt khác, thu nhập giảm, cầu tiêu dùng yếu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm được dự báo trong năm 2023 chắc chắn sẽ khiến quy mô thị trường bị thu hẹp.

Đa dạng kênh hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh nêu trên, có thể nói các lợi thế từ FTA, đặc biệt là ưu đãi thuế quan tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới sẽ là một công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho các DN Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh để có thể tiếp tục giữ vững, mở rộng thị phần ở các thị trường có FTA.

Để thực hiện được điều này, VCCI đề xuất nhóm giải pháp chính sách tức thời. Đó là, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ VHTT&DL triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam, thiết kế riêng cho từng thị trường (ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ). Theo đó, Thương vụ Việt Nam ở các thị trường FTA sẽ xây dựng kênh kết nối đối tác với DN Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này cho DN; đồng thời, thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.

Đối với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cần thiết lập một tổng đài hỗ trợ DN về quy tắc xuất xứ FTA, công bố rộng rãi về tổng đài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó DN biết đến và có thể xin hướng dẫn, tư vấn để hiểu, thực hiện, đáp ứng các quy tắc xuất xứ FTA.

Về các giải pháp chính sách trong dài hạn, VCCI kiến nghị Nhà nước xem xét hai định hướng chính. Thứ nhất, nghiên cứu khả thi và xúc tiến việc đàm phán các FTA mới, ở dạng thức thích hợp (song phương, đa phương, khu vực) với một số thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam. Ví dụ, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; Nam Mỹ là khu vực kinh tế nhiều tiềm năng, không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam…

Thứ hai, thiết lập chương trình đánh giá định kỳ hằng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện, qua đó nhận diện và xử lý kịp thời các vấn đề cản trở việc tận dụng hiệu quả các FTA. Trong đó, tập trung đánh giá công tác thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính liên quan tới các hoạt động thực thi FTA (đặc biệt là các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành; cấp giấy chứng nhận xuất xứ FTA; cấp phép và quản lý đầu tư). Cùng với đó, đánh giá tình hình thực thi FTA của DN, đặc biệt là về mức độ hiểu biết, khả năng tận dụng, ảnh hưởng của các FTA, các lực cản trong thực thi FTA của DN...

 

Thông tin từ Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,8 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 342,2 tỷ USD tăng 13,4%; nhập khẩu ước đạt 331,6 tỷ USD, tăng 10,1%. Tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD.