Thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU: Giảm thời gian, đơn giản hóa hồ sơ hành chính

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua gần 5 năm thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020”, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền TP được cải thiện rõ rệt qua các năm. Có được kết quả này chính nhờ một trong những nguyên nhân quan trọng là sự chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Mỗi năm tiết kiệm hàng chục tỷ đồng
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU, kết quả nổi bật trong cải cách TTHC giai đoạn 2016 - 2020 là TP đã chỉ đạo các ngành thường xuyên rà soát, kiến nghị đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là những TTHC liên quan đời sống người dân, DN. Cụ thể, TP thực hiện đánh giá tổng cộng 261 TTHC và thông qua phương án đơn giản hóa 183 TTHC, từ đó tiết kiệm 34 tỷ đồng/năm (năm 2017); 61 TTHC, tiết kiệm 43 tỷ đồng/năm (năm 2018); 71 TTHC (năm 2019).
Để rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian giải quyết, TP ủy quyền cấp sở thực hiện một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP như về môi trường, VH&TT, TT&TT, LĐTB&XH, KH&ĐT… Đồng thời tăng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng nghiệp vụ tiếp nhận thụ lý hồ sơ của cán bộ, công chức.
 Công chức UBND xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) giải quyết TTHC cho người dân.
100% cơ quan, đơn vị hàng năm tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm việc tại “một cửa”. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn toàn TP đạt trung bình 98,81% (năm 2016), 98,13% (năm 2017), 98,5% (năm 2018), 99,86% (năm 2019). Điển hình, Ban Tổ chức Thành ủy chủ động tham mưu Thành ủy rút ngắn, đơn giản hóa nhiều TTHC về công tác Đảng.
Sau thí điểm thành công và mở rộng áp dụng một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công (DVC) tại một số đơn vị sự nghiệp công lập, DN được giao cung ứng dịch vụ công ích, ngày 7/5/2018, UBND TP ban hành quyết định quy định thống nhất áp dụng cơ chế này trong cung ứng DVC tại một số đơn vị sự nghiệp công lập, DN, HTX thuộc TP. Đến nay, cơ chế được thực hiện ở một số dịch vụ phục vụ người dân như cung cấp nước sạch (tại Công ty nước sạch Hà Nội), trợ cấp thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội), mai táng (Ban Phục vụ lễ tang TP).
Đáng chú ý, TP đã xây dựng một số quy chế phối hợp liên thông theo chỉ đạo của Chính phủ như liên thông TTHC đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, liên thông TTHC đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, liên thông giải quyết chế độ hỏa táng.
Ngoài ra, TP chủ động xây dựng quy chế phối hợp liên thông một số lĩnh vực trọng điểm như liên thông TTHC cấp phiếu lý lịch tư pháp - cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài giúp giảm từ 20 còn 12 ngày làm việc…
Đẩy nhanh hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi, chuyên ngành
Cùng với đơn giản hóa thành phần hồ sơ và giảm thời gian giải quyết TTHC, TP không chỉ đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung mà còn đẩy nhanh các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi (dân cư, quy hoạch, đất đai, DN...) và chuyên ngành (giáo dục, y tế, giao thông, lao động, tư pháp).
Điển hình, lĩnh vực TN&MT đã hoàn thành xây dựng, cung cấp thông tin trên Cổng Giao tiếp điện tử TP các hệ thống quan trắc môi trường không khí, chất lượng nước Hồ Tây, lượng mưa và bản đồ úng ngập.
Về nông nghiệp, triển khai hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, đến nay cấp mã QR cho 263 DN sử dụng. Với LĐTB&XH, việc ứng dụng CNTT trong công tác hỗ trợ, khuyến khích hỏa táng giúp giảm thủ tục, thời gian đi lại của công dân, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích người dân chọn hình thức hỏa táng; từ khi sử dụng phần mềm (ngày 1/9/2016), người dân tiết kiệm hơn 5,2 tỷ đồng.
Về lĩnh vực thuế, các dịch vụ thuế điện tử được triển khai đồng bộ tạo điều kiện tối đa, giảm chi phí cho người nộp thuế: Nộp thuế điện tử đạt 95%, hóa đơn điện tử có 16.951 DN áp dụng; hoàn thuế điện tử, thí điểm biên lai điện tử trong giải quyết dịch vụ hành chính công tại một số sở…
Nhằm không ngừng nâng cao mức hài lòng của người dân, đáng chú ý TP đã ban hành quy định và hàng năm ban hành kế hoạch khảo sát đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị thuộc TP. Trong đó, năm 2016 khảo sát đo lường mức hài lòng ở 4 lĩnh vực lao động việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo trợ xã hội, người có công; với kết quả Chỉ số hài lòng chung đạt 77%.
Năm 2017, khảo sát đo lường ở 3 lĩnh vực an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, cấp đổi giấy phép lái xe; đạt Chỉ số hài lòng chung 82%. Năm 2018, khảo sát đo lường 4 lĩnh vực đăng ký kinh doanh, khám chữa bệnh, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn - đo lường -chất lượng; đạt Chỉ số hài lòng chung 80%. Năm 2019, đo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của 20 sở, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và Chỉ số hài lòng ở một số lĩnh vực trọng điểm (giáo dục, y tế, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường).
Năm 2020, TP tiếp tục khảo sát hài lòng về sự phục vụ của 20 sở, ngành, 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có lấy ý kiến người dân về một số nội dung chính quyền thực hiện và tích hợp vào điểm xác định Chỉ số CCHC của các đơn vị. Chỉ số hài lòng của TP năm 2019 đạt 80,9% - năm thứ hai liên tiếp đạt trên 80%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần