Thực hư khủng hoảng bất động sản Trung Quốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sẽ ra sao nếu trụ cột của nền kinh tế số hai thế giới không trở lại thời hoàng kim?

Tổng số 1,4 tỷ dân của Trung Quốc cũng không thể lấp đầy các căn hộ trống rải rác trên khắp đất nước, một cựu quan chức cho biết.

Khu phức hợp Gaotie Wellness City, Thông Xuyên, Thiểm Tây, Trung Quốc. Nguồn: Reuters
Khu phức hợp Gaotie Wellness City, Thông Xuyên, Thiểm Tây, Trung Quốc. Nguồn: Reuters

Vốn là trụ cột của nền kinh tế, bất động sản Trung Quốc chứng kiến sự suy thoái lớn kể từ năm 2021 khi gã khổng lồ bất động sản China Evergrande vỡ nợ.

Ngoài ra còn vô số ông lớn bất động sản, gồm cả Country Garden Holdings, có nguy cơ vỡ nợ khiến người dân Trung Quốc lo lắng, không dám mua nhà.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), tính đến cuối tháng 8/2023, tổng diện tích của những căn nhà chưa bán lên đến 648 triệu mét vuông. Reuters ước tính nếu một ngôi nhà có diện tích trung bình 90 mét vuông, thì sẽ có khoảng 7,2 triệu ngôi nhà chưa được bán.

Đó là chưa tính đến vô số dự án nhà ở đã được bán nhưng chưa hoàn thành do khó khăn về dòng tiền, hoặc nhiều căn được các nhà đầu cơ mua trong đợt phục hồi thị trường gần đây nhất vào năm 2016 vẫn còn bỏ trống.

Ông He Keng, cựu Phó cục trưởng Cục Thống kê, cho biết: “Vẫn chưa rõ hiện nay có bao nhiêu căn nhà để trống do mỗi chuyên gia đưa ra một con số khác nhau. Thậm chí có phân tích cho rằng 3 tỷ người mới có thể lấp đầy toàn bộ những ngôi nhà ở Trung Quốc”.

“Ba tỷ có thể hơi nhiều, còn 1,4 tỷ người chắc chắn sẽ không thể lấp đầy”, ông khẳng định.

Trước những nhận định trên, Chính phủ Trung Quốc cho biết thị trường bất động sản vẫn ổn cũng như nền kinh tế nước này vẫn trụ vững trước muôn vàn khó khăn.

Trong một cuộc họp báo gần đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Thỉnh thoảng vẫn xuất hiện dự đoán về sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc, tuy nhiên, đó chỉ là những nhận định không có cơ sở khi chúng tôi ngày càng phát triển”.