Nguồn tin của Reuters lưu ý rằng Washington đã nhận được thông tin tình báo mới liên quan đến năng lực hạt nhân của Nga và những nỗ lực phát triển vũ khí trên không gian. Theo đó, năng lực mới của Nga không gây ra mối đe dọa cấp bách đối với Mỹ.
Các nhà phân tích theo dõi chương trình không gian của Nga đã lưu ý rằng mối đe dọa không gian có thể không phải là đầu đạn hạt nhân, mà là một thiết bị mạnh cần năng lượng hạt nhân để thực hiện một loạt cuộc tấn công vào vệ tinh. Chúng có thể bao gồm thiết bị gây nhiễu tín hiệu, vũ khí có khả năng làm "chói mắt" cảm biến hình ảnh hoặc xung điện từ có khả năng vô hiệu hóa tất cả các thiết bị điện tử vệ tinh trong một vùng quỹ đạo cụ thể.
Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nhận định với Reuters: "Nhiều khả năng Nga đang phát triển một hệ thống chạy bằng nguồn hạt nhân... có khả năng tác chiến điện tử khi ở trên quỹ đạo, hơn là giả thuyết cho rằng Nga đang phát triển vũ khí mang đầu đạn nổ hạt nhân".
Báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ năm 2023 cho biết, Nga đang phát triển một loạt vũ khí được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các vệ tinh riêng lẻ và cũng có khả năng phát triển các hệ thống mạnh hơn nhằm mở rộng mối đe dọa đối với cấu trúc của tất cả các vệ tinh.
Các nhà phân tích cho rằng vũ khí chống vệ tinh có thể làm gián đoạn liên lạc quân sự và thương mại, làm suy yếu khả năng hoạt động của các lực lượng vũ trang và ảnh hưởng đến hệ thống Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) mà mọi người đang sử dụng.
Nhà Trắng đã xác nhận thông tin tình báo của mình sau cảnh báo mơ hồ hôm 14/2 từ người đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Turner, về mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ khi mà tình báo cho thấy Nga có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian.
Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm 15/2 đã xác nhận thông tin này. Kirby cũng khẳng định năng lực quân sự mới của Nga sẽ vi phạm Hiệp ước ngoài vũ trụ quốc tế mà hơn 130 quốc gia đã ký kết, bao gồm cả Moscow. Ông từ chối bình luận về việc liệu vũ khí này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hay không.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng liên minh quân sự luôn giám sát mọi cuộc thử nghiệm tiềm năng trên mọi lĩnh vực và trao đổi dữ liệu giữa tất cả các đồng minh.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng mối đe dọa được đề cập là khả năng tiềm tàng chứ không phải khả năng hoạt động. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị cho chính quyền của ông tham gia đàm phán với Nga về khả năng thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong không gian.
Về phần Nga, Điện Kremlin đã bác bỏ những cảnh báo này của Mỹ và coi đó là sự bịa đặt ác ý. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả những tuyên bố tình báo mới về Nga là một "mưu mẹo" của Washington nhằm khiến Quốc hội Mỹ ủng hộ viện trợ cho Ukraine.