Hôm 3/10, trong khi Duma Quốc gia Nga đã thông qua đạo luật để chính thức sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Kherson, Zaporizhzhia và Luhansk, các lực lượng Ukraine được báo cáo đã tiến sâu hơn vào các lãnh thổ này. Quân đội Ukraine đã tái chiếm các làng mạc xung quanh Kherson - thành phố có ý nghĩa chiến lược, trong khi giới chức Nga cũng công khai thừa nhận tình hình bất lợi tại đây.
“Với các đơn vị xe tăng vượt trội về số lượng theo hướng Zolota Balka và Oleksandrivka, kẻ thù đã cố gắng tiến sâu vào hệ thống phòng thủ của chúng tôi” - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết.
Tại Luhansk, các quan chức địa phương cho biết quân đội Ukraine đã tái chiếm làng Torske, cách thành phố quan trọng Kreminna 12km. Theo Kiev, việc đẩy đối phương ra khỏi Kreminna sẽ là một bước lùi lớn đối với nỗ lực chiến tranh của Nga.
“Kreminna là chìa khóa để kiểm soát toàn bộ khu vực Luhansk bởi vì khi xa (thành phố) hơn, Nga không có thêm bất kỳ tuyến phòng thủ nào nữa” - nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov nói với hãng tin AP - “Việc chiếm lại thành phố này mở ra không gian hoạt động cho Ukraine nhanh chóng tiến tới biên giới với Nga”.
Trước đó, các lực lượng Ukraine cũng đã thành công chiếm lại thành phố Lyman ở tỉnh Donetsk vào cuối tuần qua, sau những chiến thắng xa hơn về phía Bắc, trong và xung quanh thành phố Kharkiv.
Giữa bối cảnh như vậy, tờ Times of London, dẫn lời các nhà phân tích quốc phòng Ba Lan - những người theo dõi các chuyển động hạt nhân của Nga - là bên đầu tiên đưa tin về việc một đoàn tàu của Bộ Quốc phòng Nga chịu trách nhiệm vận chuyển vũ khí hạt nhân đang di chuyển về phía biên giới Ukraine. Tờ La Repubblica của Italia thì loan tin, các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang chuẩn bị cho khả năng Moscow có thể sớm ra lệnh thử nghiệm ngư lôi Poseidon trang bị vũ khí hạt nhân của Nga.
Cách đây chưa đầy hai tuần, Tổng thống Putin đã cảnh báo phương Tây rằng Moscow sẵn sàng sử dụng “tất cả các phương tiện sẵn có” để bảo vệ lãnh thổ Nga trước các cuộc tấn công của Ukraine. Bình luận trên đã làm dấy lên loạt cảnh báo ở Washington và khắp châu Âu khi lo ngại rằng Điện Kremlin có thể có hành động quyết liệt một khi nước này mất thêm đất vào tay quân đội Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với CNN hôm 2/10 rằng ông không ghi nhận dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin đã đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Trong khi đó, chính quyền Biden tiếp tục cho thấy sự mạnh tay không ngừng trong việc hỗ trợ Kiev.
Tờ AP hôm 3/10 đưa tin, Mỹ sẽ sớm chuyển giao cho Ukraine thêm 4 hệ thống tên lửa tiên tiến, được cho là đã giúp Kiev xoay chuyển cục diện phía Đông và Nam Ukraine trước đó. Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao, được gọi là HIMARS, sẽ là một phần của gói viện trợ trị giá 625 triệu USD, dự kiến được Washington công bố vào ngày 4/10 (giờ Mỹ). Đây sẽ là chuyến hàng HIMARS đầu tiên đến Ukraine kể từ cuối tháng 7/2022.
Về phần mình, giới chức Nga đã cảnh báo về một cuộc “đụng độ hạt nhân” bởi các hành động leo thang từ phương Tây. “Các tuyên bố về sự cần thiết phải đánh bại Nga trên chiến trường, cũng như việc trang bị vũ khí cho chế độ Kiev một cách chiến lược, bao gồm các hệ thống tên lửa tiên tiến, cung cấp thông tin tình báo và đánh dấu các mục tiêu quân sự và dân sự mà chúng tôi bảo vệ, sự tham gia trực tiếp của các cố vấn và lính đánh thuê phương Tây trong các cuộc chiến…có thể dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân với tất cả những hậu quả thảm khốc sau đó” - hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Konstantin Vorontsov, Phó Cục trưởng Cục Chống phổ biến và Kiểm soát vũ khí, Bộ Ngoại giao Nga, nói hôm 3/10.