Như thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, từ ngày 21/7, Cục đã mở chuyên mục “Đăng ký, khai báo phương tiện” trên Cổng Thông tin điện tử của Cục để hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, trình tự đăng ký, lệ phí đăng ký xe, cũng như địa điểm, số điện thoại của từng điểm đăng ký xe trên toàn quốc. Việc này không chỉ để thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký xe, mà thực sự là một hướng đi rất cần thiết trong thời gian dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp. Việc cải cách và tiến tới thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là điều nhiều người dân rất mong đợi và được các cấp, các ngành dần xúc tiến triển khai. Rất nhiều thủ tục gắn chặt với cuộc sống của người dân đã được thực hiện trên môi trường mạng, từ những thủ tục đơn giản trong lĩnh vực tư pháp, bảo hiểm xã hội, chứng thực một số giấy tờ… đến các thủ tục lớn hơn như đăng ký DN… Nhìn từ thực tế, nhu cầu về thực hiện các thủ tục này của người dân rất lớn, việc có thêm một dịch vụ được điện tử hóa luôn được người dân mong đợi, sẽ giảm bớt được phiền hà, giảm bớt được thời gian đi lại và đáp ứng được các yêu cầu về các dịch vụ công một cách tốt hơn. Nếu đặt trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay, việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến còn giúp giảm tiếp xúc, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và đặc biệt là tiến độ thủ tục rõ ràng, đầy đủ, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng.Như con số được thống kê, từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương Cổng dịch công quốc gia (ngày 9/12/2019) với 8 dịch vụ công ban đầu, đến tháng 3/2021 đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Đó quả là một con số cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, DN trong giải quyết thủ tục hành chính. Không chỉ tiết kiệm chi phí, còn tăng hiệu quả quản lý, thuận tiện cho việc tra cứu nội dung hồ sơ trong trường hợp cần thiết một cách công khai, minh bạch. Đồng thời xác định rõ được trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng môi trường giao tiếp giữa chính quyền và người dân, giúp tăng “chỉ số minh bạch”. Có thể nói rằng, với những động thái này, Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đang dần hiện hữu. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành, hội thảo, họp hành giữa các cấp, các ngành cũng đã dần chuyển hết sang hình thức trực tuyến. Nhìn từ thực tế vừa qua, đây không chỉ là việc mang tính giải pháp trong thời điểm dịch Covid-19, mà thực sự đó là một xu hướng hiệu quả. Với những cách làm này, đã giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội, thậm chí có thể truyền tải trực tiếp thông điệp từ cấp quản lý đến nhiều người hơn, thay vì phải qua nhiều tầng, nhiều lớp. Chính điều đó đã nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc và tạo thêm bước đột phá mới.