Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thức tỉnh muộn

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hai ngày thương thảo ở thủ đô Algier của Algeria, 16 nhóm phái Palestine, trong đó có hai nhóm phái lớn nhất và kình địch nhau quyết liệt nhất là Fatah và Hamas, đã đạt được sự nhất trí về thỏa thuận hòa giải.

Chính phủ Algeria đóng vai trò trung gian hòa giải. Nghi lễ ký kết thỏa thuận hòa giải được tổ chức rất trọng thể tại địa điểm mà tại đó ngày 15/11/1988, chủ tịch Tổ chức giải phóng Palestin (PLO) Yesser Arafat đã long trọng tuyên cáo thành lập Nhà nước Palestine.

Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune (giữa) chụp ảnh với thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh (bên trái) và Azzam al-Ahmad, thành viên của nhóm Fatah, tại thủ đô Algiers ngày 12/10/2022. Ảnh: AFP
Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune (giữa) chụp ảnh với thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh (bên trái) và Azzam al-Ahmad, thành viên của nhóm Fatah, tại thủ đô Algiers ngày 12/10/2022. Ảnh: AFP

Nội dung của thỏa thuận hòa giải thực chất không có gì mới mẻ và bất ngờ bởi trước đấy đều đã được các phe cánh này đàm phán với nhau nhiều lần nhưng đàm phán thất bại. Nếu đặt thỏa thuận hòa giải ấy vào tác động và hệ lụy của mối bất hoà dai dẳng hơn 15 năm qua giữa các phe phái này, đặc biệt giữa Fatah và Hamas thì sẽ thấy thỏa thuận hòa giải mới có ý nghĩa lịch sử đối với số phận tương lai của Nhà nước Palestin.

Nếu không nhanh chóng hòa giải để thật sự đoàn kết và thống nhất nội bộ thì Palestine càng ngày càng thêm cách xa, chứ không thể tiến lại gần thêm hơn mục tiêu xây dựng thành công nhà nước độc lập thật sự, có chủ quyền và lãnh thổ tại các vùng lãnh thổ hiện đang quản lý ở khu vực Trung Đông.

Theo thỏa thuận hòa giải mới đạt được này, các cuộc bầu cử tổng thống và Hội đồng dân tộc (như quốc hội) sẽ được tổ chức trong thời gian một năm tới, các bên tiếp tục công nhận PLO là đại diện duy nhất cho Palestine, PLO tiến hành bầu lại lãnh đạo. Chỉ khi lại có bầu cử tổng thống và Hội đồng dân tộc thì mới có thể chính thức chấm dứt tình trạng phân rẽ và cát cứ lãnh thổ giữa Fatah và Hamas.

Ở lần bầu cử Hội đồng dân tộc gần đây nhất vào năm 2006, Hamas thắng cử và vì bất đồng quan điểm với Fatah nên đã cát cứ dải Gaza từ năm 2007 làm lãnh thổ riêng. Mối bất hoà nghiêm trọng đến mức chẳng khác gì đối địch giữa Hamas và Fatah làm cho Nhà nước tự trị Palestine không thể có được đường lối đối nội và đối ngoại cũng như chính sách an ninh thống nhất và nhất quán, đặc biệt đối với Israel.

Hamas đối đầu kịch liệt trong khi Fatah chủ trương hòa bình với Israel. Nhiều lần đã xảy ra chiến tranh thực thụ giữa Hamas và Israel ở dải Gaza. Israel không tiêu diệt được Hamas nhưng có lý do để ngưng trệ đàm phán hoà bình với chính quyền tự trị Palestine.

Hệ lụy của tình trạng này tai hại đối với Palestine ở chỗ không đàm phán hòa bình thì không thể có được hòa ước với Israel và chừng nào chưa có được hoà ước với Israel thì chừng đó Palestine chưa thể gây dựng được nhà nước độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ tồn tại bên cạnh Nhà nước Israel (Giải pháp hai nhà nước).

Đồng thời, vì thù địch giữa Hamas và Israel mà phía Israel thúc đẩy việc sát nhập trái phép lãnh thổ của người Palestine, tiếp tục xây dựng các làng định cư cho người do thái trên vùng lãnh thổ của người Palestine và đặc biệt là phía Israel ngày càng giảm mức độ sẵn sàng chấp nhận giải pháp hai nhà nước nói trên.

Như thế có thể thấy rằng trong thời gian hơn 15 năm qua, phía Israel được lợi rất nhiều từ sự phân hóa và chia rẽ, bất đồng và đối kháng lẫn nhau trong nội bộ Palestine. Nội bộ Palestine như thế làm cho tất cả các đối tác bên ngoài ủng hộ giải pháp hai nhà nước rất khó xử với việc tiếp tục ủng hộ Palestine.

Thời gian qua, Israel lâm vào cuộc khủng hoảng chính phủ trầm trọng, nội bộ chính trường và xã hội phân rẽ sâu sắc, bất ổn chính trị rõ rệt, nhưng cử tri nước này  gần như luôn ủng hộ chính sách cứng rắn của phe cầm quyền đối với Palestine, đặc biệt đối với Hamas.

Nếu không huynh đệ tương tàn trong nội bộ thì Palestine có thể tận lợi được rất nhiều từ cuộc khủng hoảng này ở Israel theo hướng tranh thủ và khích lệ những lực lượng ôn hòa ủng hộ Palestine ở Israel. Cũng trong khoảng thời gian này, Israel đã tạo thêm đột phá trong chuyện bình thường hóa  quan hệ với các nước Ả rập trong khu vực, làm rạn vỡ dần khối đoàn kết của các nước Ả rập với Palestine.

Chính chiều hướng diễn biến ngày càng thêm bất lợi này mới là tác nhân quyết định nhất tới việc các phe phái Palestine phải đi vào hòa giải với nhau. Trả giá đắt mà viễn cảnh không sáng sủa đã thức tỉnh nhận thức của các phe cánh này. Sự thức tỉnh đên muộn nhưng vẫn còn hơn cứ tiếp tục như lâu nay.