70 năm giải phóng Thủ đô

Thước đo uy tín và sự công tâm

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một lần nữa, vấn đề “lấy phiếu tín nhiệm” lại được dư luận quan tâm và nhắc đến nhiều khi hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII đang diễn ra, lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.

Đây không phải lần đầu tiên T.Ư tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, nhưng là lần đầu tiên thực hiện theo Quy định số 96-QĐ/TW năm 2023 của Bộ Chính trị với những điểm mới trong đánh giá và sử dụng kết quả lấy phiếu.

Với những quy định chặt chẽ và điểm mới nổi bật trong Quy định 96, tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm không chỉ gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, sự gương mẫu… của bản thân cán bộ, mà còn của cả vợ, chồng, con cán bộ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thêm nữa, nếu những lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây chỉ là "kênh thông tin tham khảo trong đánh giá cán bộ" thì nay hoạt động này đã trở thành yếu tố để “sử dụng đánh giá cán bộ”. Đây thực sự là một bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, được ví như "lửa thử vàng", trở thành một thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả, tín nhiệm của cán bộ lãnh đạo so với trước đây.

Từ thực tiễn những năm qua, đặc biệt qua 2 lần Ban Chấp hành T.Ư tổ chức lấy phiếu tín nhiệm (tại Hội nghị T.Ư 10 khóa XI, và Hội nghị T.Ư 9 khóa XII), các lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, kết quả đã khẳng định, đây là một biện pháp tích cực, giúp đánh giá đúng hơn về phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, kiểm soát quyền lực. Qua những lần lấy phiếu tín nhiệm, kết quả cho thấy có những người tín nhiệm không cao nhưng sau đó đã phải suy nghĩ, nâng cao bản lĩnh, năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với thử thách trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nói khác đi, qua mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm, mỗi cán bộ nhìn nhận lại bản thân mình đầy đủ hơn, đấy chính là mục đích quan trọng của vấn đề này. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nêu rõ: lấy phiếu tín nhiệm không phải cốt để truy trách nhiệm và tất nhiên cũng không phải để loại trừ ai, mà cần phải xem lá phiếu như một tấm gương soi, giúp cán bộ “tự soi, tự sửa”; tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác, hoàn thiện bản thân.

Sau T.Ư, trong thời gian tới, Quốc hội, HĐND các cấp cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một cơ chế để giám sát quyền lực hiệu quả, bởi đã là cán bộ có chức có quyền thì phải hành xử và làm việc thế nào để bảo đảm được sự tín nhiệm. Không còn được tín nhiệm thì sẽ không còn hoặc không nên tiếp tục giữ chức, quyền. Đây có thể coi như thử thách rất lớn nhưng là thử thách tích cực để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo "tự soi, tự sửa" lại mình.

Khi sự tín nhiệm mỗi cán bộ là do tập thể đánh giá, nên sức nặng của lá phiếu càng đòi hỏi sự công tâm, khách quan và trách nhiệm. Tổng Bí thư đã nhắc nhở, “kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ”. Phải đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Sức nặng của lá phiếu còn thể hiện ở chỗ, nó không chỉ là thước đo năng lực, phẩm chất, uy tín cán bộ mà còn góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Nên người bỏ phiếu không nên bị chi phối bởi cảm tình, nể nang hay vì bất cứ một ý do nào khác. Như thế mới thực sự tạo ra một “thước đo” uy tín, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đặc biệt với lĩnh vực hay va chạm. Tránh đi tình trạng cán bộ cứ lối mòn mà đi, giữ an toàn, nhưng số phiếu tín nhiệm có khi lại cao.