Hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Trong vài năm qua, Việt Nam đã tăng trưởng 7%, một con số gấp đôi mức trung bình của thế giới. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang theo một hành trình tăng trưởng tương tự như của Trung Quốc. Trong khi nông nghiệp tiếp tục là một nguồn tạo việc làm lớn nhất, phần lớn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây đã được thúc đẩy bởi các dịch vụ và phân khúc công nghiệp.
Việt Nam được đánh giá là một nhà sản xuất chi phí thấp đang trở nên năng động hơn và điều này khiến Việt Nam trở thành một thế lực cạnh tranh khá lớn trong thế giới thương mại toàn cầu với mức thương mại tính theo phần trăm GDP đã vượt qua 200% (so với mức dưới 19% năm 1988).
Sự khác biệt chủ yếu đến từ chi phí lao động Việt Nam (có xu hướng chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất) chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và cũng thấp hơn đáng kể so với một đối thủ sản xuất lớn khác là Mexico. Theo Savills Vietnam, thực tế giá thuê công nghiệp trung bình ở Việt Nam rơi vào khoảng 100 - 140 USD/m2/quý, thấp hơn đáng kể so với mức giá 180 USD/m2/quý ở Trung Quốc.
Lĩnh vực sản xuất mà Việt Nam chiếm ưu thế là sản xuất điện tử (chiếm 36%), tiếp theo là giày dép. Giống như các nhà sản xuất điện tử của Nokia hay Samsung từ đầu đã “cố thủ” tại Việt Nam, thì các thương hiệu giày dép lớn như Nike hay Adidas từ lâu cũng đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, với hơn 40% sản lượng đến nay.
Ngoài ra, theo nhiều báo cáo, các ngành công nghiệp khác như lốp xe hơi, đồ nội thất và tủ lạnh cũng có sự di dời các nhà máy sản xuất sang Việt Nam. Một số tên tuổi đáng chú ý của Mỹ gần đây đã tiến vào Việt Nam bao gồm Sourcify, Cooper Tyres và Key Tronic.
Nguyên nhân chủ yếu của sự di dời trong chuỗi cung ứng sản xuất chi phí thấp toàn cầu này là do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Để đối phó với vấn đề chi phí nguồn cung ứng tăng cao do thuế quan tăng, nhiều công ty Mỹ đã tìm kiếm các lựa chọn thay thế nhà sản xuất Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam đang trở thành lựa chọn ưu tiên.
Đáng chú ý, 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Mỹ (20% thị phần xuất khẩu) và Trung Quốc (17% thị phần xuất khẩu). Theo một khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ thực hiện, Việt Nam là địa điểm “tái định cư” nhà máy sản xuất được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn, tăng từ 17% vào năm 2018 lên 36% vào năm 2019, trong khi độ cạnh tranh của các điểm đến khác như Ấn Độ và Thái Lan đều giảm.
Bằng chứng về xu thế dịch chuyển sản xuất này đã được phản ánh trong các con số thương mại của Mỹ. Tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2019 giảm 87 tỷ USD so với năm trước - mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với bất kỳ đối tác thương mại nào. Ngược lại, Việt Nam chiếm kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Mỹ, đạt 17,5 tỷ USD, tăng 35% so với năm trước đó.
Tương lai khởi sắc trong 6 tháng cuối năm 2020
Hiệu suất trong nửa đầu năm 2020 thực tế là không đáng kể khi đem so sánh với câu chuyện xuất khẩu lớn của Việt Nam năm 2019. Đầu tiên là một số thay đổi vào đầu năm của xu hướng đầu tư toàn cầu khi tin tức về Giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được đưa ra ánh sáng. Sau đó là đại dịch Covid-19 làm tê liệt thương mại toàn cầu đến mức kỷ lục. Vốn đạt thặng dư thương mại trong 2 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến cán cân thương mại thâm hụt gần 1 tỷ vào tháng 4/2020.
Tuy nhiên, có vẻ như tình hình bất lợi trong nửa đầu năm 2020 đang giảm bớt và xuất hiện những khởi sắc để quay lại câu chuyện tăng trưởng thương mại của Việt Nam.
Đầu tiên là sự trở lại của tăng trưởng trong nền sản xuất và công nghiệp vốn là trụ cột cơ bản của xuất khẩu. Sau khi giảm trong 2 tháng trước đó, vào tháng 6 vừa qua, sản xuất công nghiệp tại Việt Nam đã tăng 7% so với năm 2019, với sản lượng sản xuất đạt mức ấn tượng, tăng 10,3% so với năm 2019, đặc biệt khi đặt trong sự so sánh với mức -2,4% của tháng 5.
Điều này đã được tăng cường hơn nữa với sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư dựa dựa trên chỉ số PMI (theo dữ liệu của tổ chức IHS Markit) đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm nay, đạt 51,1 điểm (so với 42,7 điểm vào tháng 5).
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng qua đã có xu hướng tăng lên và gần đạt tốc độ trung bình của năm 2019.
Theo báo cáo Lead-Lag cuối tháng 6 của Seeking Alpha, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở lại một lần nữa và có vẻ như Trung Quốc có thể sẽ không đạt được một số mục tiêu đã đề ra trong Giai đoạn 1. Việt Nam được đánh giá là một ngọn hải đăng của sự ổn định và nhất quán đang “sáng lên” dành cho các nhà đầu tư trên thế giới trước những biến động trong Giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Khía cạnh nổi bật khác về Việt Nam là khả năng chống lại đại dịch Covid-19 với chỉ với 369 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 341 ca đã phục hồi, và đặc biệt là con số 0 bệnh nhân tử vong.
Ngành du lịch Việt Nam, một thành phần phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng CAGR 5 năm tăng 24%, được đánh giá là chịu ít ảnh hưởng hơn so với các điểm đến du lịch khác trên thế giới. Số liệu du lịch và công nghiệp của Việt Nam cho thấy trong tháng 7/2020, hơn 26.000 chuyến bay dự kiến sẽ vận chuyển hơn 5 triệu người, tăng lần lượt là 16% và 24% so với cùng kỳ năm ngoài.
Châu Âu là chìa khóa?
Không còn tập trung vào những lợi ích có thể đạt được từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đang tập trung sự đầu tư tích cực để phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và EU, đồng thời đặt mục tiêu xuất khẩu sang EU đạt 60 tỷ USD vào năm 2025. Về lâu dài, Việt Nam sẽ có một nguồn khách hàng đa dạng hơn để xuất khẩu, không chỉ dựa vào Mỹ và Trung Quốc.
Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) mở ra một thị trường rộng lớn với tổng GDP đạt gần 2,2 nghìn tỷ USD. Theo thỏa thuận, mức thuế đối với các sản phẩm của Việt Nam như hàng may mặc, máy tính, điện thoại, quần áo, giày dép, dệt may, điện tử và thiết bị nông nghiệp sẽ giảm từ 9,7% xuống còn 2% vào năm 2025.
Nga cũng là một đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Một số báo cáo xuất hiện vài tuần trước đã nhấn mạnh rằng hai nước đang có kế hoạch mở rộng hợp tác kinh tế. Đáng chú ý, Nga đã rót 10 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và nhà sản xuất xe tải hạng nặng GAZ Group của Nga gần đây cũng tuyên bố sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy lắp ráp xe tại Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam sẽ phát triển năng lực sản xuất trong các lĩnh vực vượt ra ngoài chuyên môn cốt lõi của mình là điện tử và giày dép.