Thương chiến trên nền đại dịch

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguy cơ nối lại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã dậy sóng ở cả hai bên trong những ngày gần đây, mà đằng sau là các toan tính lâu dài, bất chấp rủi ro có thể bị nhân lên do cuộc khủng khoảng Covid-19.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/5 nói rằng việc tăng thuế quan đối với Trung Quốc “chắc chắn là một lựa chọn” trong các biện pháp trả đũa Bắc Kinh, cho những gì mà chính quyền Washington tin là trách nhiệm của quốc gia châu Á khi để dịch Covid-19 lây lan thời điểm ban đầu.
Ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng khăng khăng khẳng định chủng virus corona mới đến từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, dù đến nay chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào. Nhiều quốc gia đã hưởng ứng Washington để kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch, trong khi tình báo Mỹ kết luận virus gây bệnh Covid-19 không phải do con người tạo ra.
Trung Quốc đã chế giễu phản ứng mâu thuẫn của Mỹ thông qua một đoạn phim hoạt hình được đăng tải trực tuyến bởi Tân Hoa Xã. Thời báo Hoàn Cầu, trong một bài xã luận hồi đầu tuần nay, cáo buộc Mỹ đang hạ bệ uy tín của Trung Quốc để giúp Tổng thống Trump tái đắc cử.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc công bố thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày 15/1/2020.
Cựu chuyên gia đàm phán thương mại hàng đầu của Nhà Trắng, Clete Willems thì cho rằng lý do đằng sau lời đe dọa thuế quan lúc này không nhất định chỉ là “trò đổ lỗi” để kiếm phiếu bầu của ông chủ Nhà Trắng. “Thực tế là nó (mâu thuẫn Mỹ - Trung) vẫn đang tiếp diễn. Sự thất vọng ngày càng tăng với các chính sách kinh tế của Trung Quốc, và Trung Quốc cũng là câu trả lời cho nhiều vấn đề trong cuộc khủng hoảng Covid-19” - ông Willems giải thích.
Mỹ tính bước mới
Trở lại thỏa thuận đình chiến mà 2 nước ký kết hồi tháng 1, một trong các điều khoản nổi bật là việc Bắc Kinh phải tăng cường mua năng lượng của Mỹ dưới dạng dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than. Dự kiến Trung Quốc sẽ nhập khẩu năng lượng của Mỹ thêm 52,4 tỷ USD trong năm 2020 và 2021, từ mức 9,1 tỷ USD năm 2017. Tuy nhiên, dữ liệu của Refinitiv cho thấy những tháng vừa qua không cho thấy vẻ tích cực của Trung Quốc đối với nghĩa vụ này. Như để “đánh tiếng”, Tổng thống Trump hôm 3/5 cảnh báo sẵn sàng hủy bỏ cam kết nếu Bắc Kinh không chịu mua.
Với giá dầu WTI hiện nay, ước tính Trung Quốc sẽ có được gần 1 tỷ thùng dầu thô Mỹ với khoản chi 20 tỷ USD. Trải dài trong một năm, điều đó có nghĩa là Trung Quốc phải nhập khẩu khoảng 2,74 triệu thùng/ngày từ Mỹ, tương đương khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ năm ngoái. Tất nhiên, mức mua này về lâu dài chắc chắn sẽ làm tăng giá dầu thô Mỹ, nhưng đồng thời khiến nó không thể cạnh tranh với nguồn cung từ các nhà sản xuất khác, trong bối cảnh vốn đã gặp nhiều bất lợi trước các đối thủ, như Nigeria hay UAE, do chi phí vận chuyển cao hơn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với LNG của Mỹ ở thị trường châu Á.
Từ đây, giới quan sát nhận định thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 có lẽ “đã chết” với nước Mỹ kể cả khi Trung Quốc giữ lời, đặt ra câu hỏi rằng chính quyền Washington sẽ làm gì cho bước tiếp theo. Với “người đàn ông thuế quan” Donald Trump, lời đe dọa áp thuế mới đây của ông rõ ràng không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, nhưng Covid-19 được cảnh báo là một biến số.
Khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào giữa năm 2018, nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ và phát triển, khiến Trung Quốc có vẻ dễ bị tổn thương. Hiện tình thế đã xoay chuyển, khi Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1930, còn Trung Quốc dường như hưởng lợi thế hơn từ việc khống chế dịch bệnh tốt, tạo điều kiện cho nền kinh tế bầm dập sớm trở lại. Do đó, liệu các DN Mỹ có thể đối phó với việc trả nhiều thuế hơn nữa không, và các cổ phiếu ở Phố Wall sẽ phản ứng thế nào với sự thiếu chắc chắn trong thương mại vào thời điểm kinh tế suy yếu nghiêm trọng?
Giữa loạt nghi ngại xoay vần, quan chức chính quyền Tổng thống Trump đã tiết lộ một kế hoạch “cũ mà mới”, như là gợi ý cách giảm đau thương một khi cuộc chiến thuế quan trở lại. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ được cho đang cùng một số cơ quan quốc gia khác tìm cách thúc đẩy các công ty chuyển cả nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thông qua nhiều biện pháp bao gồm ưu đãi thuế, trợ cấp tái bảo hiểm tiềm năng…
“Chúng tôi đã hành động (điều hướng sản xuất khỏi Trung Quốc) trong vài năm qua nhưng hiện tại chúng tôi đang thúc đẩy hơn nữa kế hoạch đó”, Thứ trưởng Mỹ đặc trách về Tăng trưởng, Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Keith Krach nói.
Bên cạnh đó, Mỹ đang nỗ lực tạo ra một liên minh đối tác, mà theo một quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ với Reuter là “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”. Nó sẽ bao gồm các công ty và nhóm xã hội dân sự hoạt động theo cùng một bộ tiêu chuẩn về mọi thứ, từ kinh doanh kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng đến nghiên cứu, thương mại, giáo dục và thương mại. Bàn về các việc đẩy mạnh hợp tác với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam hồi cuối tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết, các cuộc thảo luận song phương sẽ tập trung vào việc “tái cấu trúc chuỗi cung ứng” để ngăn chặn tình trạng đứt gãy trong mùa Covid-19 diễn ra lần nữa.
Thế giới tính hậu Covid-19
Như vậy để thấy, nhận định của chuyên gia Clete Willems là hoàn toàn có cơ sở, cho thấy môt khi bản chất mâu thuẫn giữa 2 quốc gia chưa thể giải quyết triệt để thì căng thẳng có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Dịch bệnh tác động đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu vô tình trở thành chất xúc tác cho sự xa rời hơn nữa giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu hậu Covid-19 phải chứng kiến sự tan rã của nền kinh tế thế giới thành các khối thương mại, nó chắc chắn gợi nhớ đến cuộc Đại khủng hoảng, với “bẫy Kindleberger” đã từng được đề cập nhiều lần kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung khai màn.
Charles Kindleberger - kiến trúc sư của Kế hoạch Marshall nhằm tái thiết châu Âu sau Thế chiến II - từng dự báo rằng trật tự thế giới sẽ sụp đổ vào thập niên 1930, khơi mào cho cuộc thế chiến mới, bởi Mỹ lúc đó đã có một vị thế địa chính trị như một siêu cường mới nhưng không chịu đảm nhiệm đúng vai trò.
Gần một thế kỷ sau, thế giới dường như lại rơi vào “bẫy Kindleberger” do thiếu đầu tàu lãnh đạo ở cấp độ toàn cầu trong thời điểm trật tự thế giới bị xáo trộn. Mỹ dưới thời Tổng thống Trump dần xa rời các tổ chức quốc tế, đến mức tuyên bố tạm dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới ngay giữa đại dịch. Trong khi Trung Quốc với nền kinh tế đang trỗi dậy nhưng chưa nhận được sự tín nhiệm quốc tế đủ để sẵn sàng lấp đầy khoảng trống lãnh đạo toàn cầu.
Gọi giai đoạn căng thẳng hiện nay giữa 2 cường quốc là khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, ông Willems cảnh báo: “Tôi biết mọi người cảm thấy khó chịu với thuật ngữ này, nhưng chúng ta cần nhìn nhận thực tế... và nếu chúng ta không cẩn thận, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều”.

"Chúng tôi đã hành động (điều hướng sản xuất khỏi Trung Quốc) trong vài năm qua nhưng hiện tại chúng tôi đang thúc đẩy hơn nữa kế hoạch đó" - Thứ trưởng Mỹ đặc trách về Tăng trưởng, Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Keith Krach

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần