Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thượng đỉnh ASEAN khởi đầu tháng ngoại giao quốc tế nhiều thách thức của khu vực

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (11/11), các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ khai mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên, giữa bối cảnh khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tình hình Myanmar và sự cạnh tranh ngày càng cao giữa Mỹ - Trung Quốc.

Biểu ngữ hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Nikkei Asia
Biểu ngữ hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Nikkei Asia

Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay được tổ chức tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia trong 3 ngày 11-13/11, thu hút nhiều nhà lãnh đạo từ các cường quốc trong khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tham dự.

Chuỗi hội nghị thượng đỉnh và các cuộc gặp bên lề song phương đánh dấu sự khởi đầu của một loạt các hội nghị cấp cao tại khu vực trong tháng này. Indonesia sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali vào tuần tới, sau đó là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok.

Nikkei Asia dẫn lời ông Evan Laksmana, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng, các thách thức khu vực và toàn cầu đang ở quy mô "chưa từng có" sẽ tạo ra nhiều khó khăn với ASEAN

Tại Campuchia, các nhà phân tích và quan chức cho rằng vấn đề lớn nhất và gây chia rẽ nhất sẽ là cuộc khủng hoảng Myanmar, bắt nguồn từ việc cựu lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi bị phế truất vào tháng 2 năm ngoái, và các cuộc xung đột bạo lực sau đó giữa quân đội và những người ủng hộ bà.

Vào tháng 4 năm ngoái, các quốc gia ASEAN bao gồm Myanmar đã nhất trí về một kế hoạch hòa bình được gọi là "Đồng thuận 5 điểm". Kế hoạch kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực cũng như đối thoại giữa quân đội và phong trào đối lập. Tuy nhiên, Myanmar tỏ ra chậm trễ và khối đã không thể thúc đẩy quá trình này.

Tại cuộc họp của các ngoại trưởng vào tháng 10, ASEAN đã nhất trí đảm bảo Myanmar phải có "các hành động thiết thực và có thời hạn", đồng thời thảo luận về danh sách các khuyến nghị thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm.

Trong một hội nghị chuyên đề ở Singapore vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết các thành viên đã có một cuộc trò chuyện "khó khăn". Ông nói: "Chúng tôi vẫn đang xem xét các bước tiếp theo có thể thực hiện với tư cách là ASEAN, nhưng phải là các bước mang tính xây dựng và hữu ích".

"Tôi e rằng đã đến lúc ASEAN phải đưa ra một số quyết định khó khăn" - ông Balakrishnan nói thêm.

Nikkei Asia trích dẫn một bản dự thảo tuyên bố của chủ tịch, các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến ​​sẽ bày tỏ sự thất vọng về tiến độ thực hiện Đồng thuận 5 điểm của Myanmar.

Tại thượng đỉnh ở Campuchia lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN hy vọng sẽ khởi xướng loạt hành động mới để khuyến khích quân đội Myanmar tiếp tục, hoặc nhanh chóng thúc đẩy việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm - theo Daniel Espiritu, trợ lý Bộ Trưởng Ngoại giao Philippines về các vấn đề ASEAN.

Ông Espiritu nói với các phóng viên ở Manila tuần trước rằng có ít nhất 11 khuyến nghị sẽ được thảo luận, "nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có sự đồng thuận".

Ngoài cuộc khủng hoảng Myanmar, các nhà phân tích dự báo sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phủ bóng các hội nghị thượng đỉnh tại khu vực thời gian tới, mặc dù ASEAN phần lớn tìm cách tránh "chọn phe".

"Trong khi ASEAN muốn tập trung vào hợp tác mang tính xây dựng... có thể không tránh khỏi việc một số thành viên không thuộc ASEAN như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản... sử dụng diễn đàn này để lên án một số hành động gây nguy cơ mất ổn định khu vực" - nhận định của Joanne Lin, đồng điều phối viên của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore.

Trước các cuộc họp, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ "tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á và vai trò trung tâm của ASEAN". Tháng 5 năm nay, chính quyền Biden đã cam kết tài trợ 150 triệu USD cho khu vực ASEAN để hỗ trợ các sáng kiến ​​hợp tác mới.

Bà Lin cho rằng, Thượng đỉnh ASEAN lần này có thể sẽ nghe được thông tin chi tiết hơn từ Mỹ về nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải và cơ sở hạ tầng bền vững. 

Tại Campuchia, ông Biden dự kiến gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng lên kế hoạch họp song phương với các thành viên ASEAN bên lề Thượng đỉnh. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến Phnom Penh trong tuần này với 200 triệu Nhân dân tệ (27,6 triệu USD) viện trợ phát triển, và cùng với Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ký 18 thỏa thuận liên quan đến các ưu tiên như cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế.

Bà Lin nói: "Các động thái này dấy lên một số dự báo rằng Trung Quốc sẽ chú trọng nhiều hơn vào việc củng cố quyền lực và quyền kiểm soát của mình, ít chú trọng hơn đến thương mại tự do và cởi mở hay một lập trường tích cực hơn ở Biển Đông".