Thượng đỉnh G20 có là show diễn độc quyền của phương Tây?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liệu Mỹ và đồng minh có cơ hội tung ra át chủ bài nhằm thay đổi cục diện thế giới như mong muốn?

Tại thượng đỉnh G20 ở London năm 2009, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã từng tiên liệu về một trật tự thế giới mới tiến bộ khi các siêu cường và những nước đang phát triển cùng nhau giải quyết thách thức toàn cầu hóa, tiến tới hợp tác bình đẳng, toàn diện.

Tuy nhiên, mọi thứ lại đang chuyển biến theo cách không ai muốn khi các siêu cường đang “tan đàn xẻ nghé”, chia thành các thái cực đối chọi gay gắt với nhau. Sau 14 năm, Thượng đỉnh G20 năm 2023 tại Ấn Độ sẽ vắng mặt nhiều cái tên quan trọng, đặc biệt phải kể đến người đứng đầu hai siêu cường bậc nhất là Trung Quốc và Nga.

Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin sẽ vắng mặt tại thượng đỉnh G20 sắp tới. Nguồn: CNN
Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin sẽ vắng mặt tại thượng đỉnh G20 sắp tới. Nguồn: CNN

Tổng thống Nga Vladimir Putin khó có thể tham dự sự kiện quan trọng này do lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) liên quan đến cáo buộc trục xuất trẻ em và đưa người bất hợp pháp từ lãnh thổ Ukraine sang Nga.

Về phía Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Cường sẽ thay Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự sự kiện này. Sự vắng mặt của ông Tập chắc chắn sẽ khiến nhiều người thất vọng, trong đó có cả ông Biden. Người đứng đầu Nhà Trắng rất muốn gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc trong mối quan hệ hai nước.

Lý giải sự vắng mặt của ông Tập, nhiều ý kiến cho rằng căng thẳng biên giới Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng khiến người đứng đầu Bắc Kinh tỏ ra lo ngại khi đến New Delhi tham dự thượng đỉnh.

Giới chuyên gia cũng cho rằng Ấn Độ sẽ gặp nhiều thách thức nhằm đạt được sự đồng thuận liên quan đến xung đột Ukraine do các bên có quan điểm đối lập nhau. Điều này cũng ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu của Thủ tướng Narendra Modi trong việc hòa giải xung đột quốc tế hay nâng tầm ảnh hưởng của New Delhi trên trường quốc tế.

Không chỉ Ấn Độ, phương Tây cũng đang lo ngại về việc sẽ phát sinh mâu thuẫn, xung đột với nhóm các nước đang phát triển do những ngờ vực, xung đột lợi ích.

Gần đây, việc BRICS, đối thủ xứng tầm với G7 đã chào đón thêm các thành viên mới: Ả Rập Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và UAE dấy lên lo ngại đối với Mỹ và châu Âu. Động thái này cũng sẽ giúp Trung Quốc và Nga nâng tầm ảnh hưởng, củng cố tham vọng tạo ra trật tự thế giới đa cực, không còn lệ thuộc vào Mỹ và các đồng minh.

Phương Tây hưởng lợi lớn từ sự vắng mặt của hai kình địch?

Thượng đỉnh G20 sắp tới được cho sẽ là show diễn độc quyền của phương Tây khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản đều có mặt tại New Delhi tuần tới. Theo nhận định, Mỹ và đồng minh sẽ có những nước đi quyết liệt để củng cố vị thế, giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc hay tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể tận dụng cơ hội Chủ tịch Tập vắng mặt để thúc đẩy quan hệ với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. New Delhi vẫn luôn là trọng tâm trong chính sách của Washington để giảm thiểu rủi ro từ Bắc Kinh cũng như duy trì đối trọng tại khu vực Thái Bình Dương.

Điều duy nhất khiến Mỹ không hài lòng là Ấn Độ không lên án mạnh mẽ Nga trong xung đột với Ukraine cũng như vẫn tiếp tục hợp tác với Moscow về thương mại và năng lượng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.