Thượng đỉnh Nga - Triều: Chủ tịch Kim "gọi", Tổng thống Putin có "trả lời"?

Hương Thảo (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cuộc gặp thượng đỉnh đã góp công lớn trong việc đưa ông Kim Jong-un trở thành một "người chơi" nghiêm túc trên trường quốc tế, và có thể cuộc gặp lần này cũng không ngoại lệ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. 
Khi cuộc gặp đầu tiên giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin sắp sửa diễn ra, giới quan sát đưa ra một danh sách dự đoán dài những mong muốn mạnh mẽ của ông Kim cho một thành quả nhất định sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù chưa rõ ông chủ Điện Kremlin có thể đáp ứng được bao nhiêu trong số đó.
"Wish list" của Chủ tịch Kim
Đối với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hiện có 2 mối quan tâm cấp bách nhất lúc này. Hơn 10.000 lao động Bắc Triều Tiên vẫn đang làm việc tại Nga, với một lượng lớn lao động ngành khai thác gỗ ở Viễn Đông Nga, nhiều khả năng sẽ bị trục xuất về nước vào cuối năm nay khi một nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp quốc năm 2017 có hiệu lực. Lực lượng lao động này, có thời điểm đã lên tới 50.000 người, đã cung cấp một nguồn thu nhập mà các quan chức Mỹ ước tính trong hàng trăm triệu USD cho đát nước.
Ông Kim Jong-un cũng đang xem xét khả năng thiếu lương thực trong mùa hè này tại Triều Tiên, trong khi Nga thể hiện việc sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng. Cách đây không lâu, Moscow từng tuyên bố rằng họ đã vận chuyển hơn 2.000 tấn lúa mì tới cảng Chongjin của Triều Tiên. Tuy nhiên, hy vọng vào chính quyền Putin của ông Kim dường như còn lớn hơn thế bởi quyết tâm cải thiện nền kinh tế Triều Tiên, đặc biệt là sau bế tắc tại Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội với ông Trump khiến việc thoát khỏi các lệnh trừng phạt dường như còn xa vời với Bình Nhưỡng.
Theo tài liệu nội bộ mà một nhà nghiên cứu Hàn Quốc có được và vừa được công bố trong tuần này trên một tờ báo của Nhật Bản, Chủ tịch Kim muốn thúc đẩy thương mại với Nga gấp mười lần - lên 1 tỷ USD - vào năm 2020. Điều đó rõ ràng sẽ đòi hỏi một sự nới lỏng đáng kể trong các biện pháp trừng phạt - điều một phần sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong hành vi của Moscow.
Không giống như Trung Quốc, quốc gia đang có khá nhiều doanh nghiệp trên đất Bắc Triều Tiên, "dấu vết" Nga có vẻ còn chưa thực sự rõ nét tại đây. Các quan chức 2 bên từ lâu đã nói về các dự án lớn, bao gồm những tuyến đường sắt đến châu Âu hay các đường ống trên bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên chính quyền Putin đến nay vẫn chưa thực sự quan tâm trong việc thực hiện chúng.
Tại sao lại là lúc này?
Thời gian chính xác của cuộc họp Kim - Putin chưa được công bố, dù nhiều khả năng có thể đến như một bất ngờ trong tuần này hoặc tuần tới, đánh dấu gần 1 năm rưỡi kể từ khi Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố kế hoạch mở rộng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Hàn Quốc cùng mục tiêu đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Kể từ đó, ông Kim đã tiến hành 4 cuộc Hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 3 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và 2 với ông Trump. Có thể nói, các cuộc gặp thượng đỉnh đã góp công lớn trong việc đưa ông Kim trở thành một "người chơi" nghiêm túc trên trường quốc tế, và có thể cuộc gặp lần này cũng không ngoại lệ.
Thêm vào đó, giống như chính quyền Bình Nhưỡng, Moscow trước nay cũng chưa từng ủng hộ việc Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn như một công cụ chính trị. Vì vậy ngay cả một tuyên bố đoàn kết thận trọng với Triều Tiên hay sự bác bỏ bất kỳ chính sách gây áp lực tối đa nào của Washington được đưa ra sau cuộc họp lần này cũng sẽ là một chiến thắng với ông Kim.
Sự cẩn trọng của ông Putin
Tuy nhiên, Tổng thống Putin chắc chắn có nhiều lý do để thận trọng khi thực hiện bất kỳ cam kết mới lớn nào với Triều Tiên lúc này, mà một trong số đó là việc không muốn làm phật lòng Trung Quốc. Đặc biệt, có thể ngay sau khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Putin sẽ bay tới Bắc Kinh để tham dự Hội nghị ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc - nơi có thể sinh lợi cho Nga.
Giả thiết rằng ông Putin có thể chọn cách tiếp cận thực tiễn hơn đối với Triều Tiên, những nỗ lực của Washington nhằm giữ sự tập trung của Bình Nhưỡng vào phi hạt nhân hóa có thể trở nên phức tạp hơn nhiều.
Giống như Trung Quốc, Nga không muốn một sự sụp đổ hỗn loạn ở miền Bắc sẽ tạo ra một làn sóng người tị nạn và bất ổn kinh tế. Vậy nên mấu chốt là, ngay cả khi Moscow không có kế hoạch thực hiện bất kỳ thay đổi nào ngay lập tức trong chính sách của mình đối với Bình Nhưỡng, thì việc gặp ông Kim cũng đã tạo cơ hội tốt để ông Putin khẳng định mình là "người chơi" trong một cuộc đua về ảnh hưởng chính trị tại bán đảo Triều Tiên.